Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:36 (GMT +7)
Đi tìm Đại sứ Văn hóa đọc
Chủ nhật, 25/07/2021 | 14:16:47 [GMT +7] A A
Ngày 7/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ninh phối hợp tổ chức chấm sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021. Đây là bước khởi đầu để tìm ra Đại sứ Văn hóa đọc như năm 2020.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh năm 2021 do Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp tổ chức, là vòng sơ khảo để chọn ra tác phẩm tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021. Được phát động từ tháng 3/2021, cuộc thi là hoạt động dành cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh.
Tham gia cuộc thi, thí sinh có thể gửi bài chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc... khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa, thực hiện quay video, sử dụng song ngữ Việt - Anh.
Sau 4 tháng phát động, đã có hơn 47.000 bài thi của học sinh các cấp trong toàn tỉnh gửi về tham dự, trong đó có 117 bài thi được thể hiện bằng video clip. Từ hơn 47.000 bài thi, Ban Giám khảo đã chọn ra 30 tác phẩm đạt giải, trong đó có 1 giải xuất sắc, 3 giải nhất, 4 giải nhì, 7 giải ba, 11 giải khuyến khích và 4 giải chuyên đề.
Theo đánh giá của ban giám khảo, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thu hút sự quan tâm của không chỉ bản thân học sinh, mà cả phụ huynh học sinh và các nhà trường. Điều này thể hiện ở việc các em dành thời gian để tìm hiểu chủ đề, được gia đình và nhà trường tạo điều kiện về tài liệu tham khảo, được hỗ trợ phương tiện trong quá trình thực hiện.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, thành viên Ban Giám khảo, cho biết: Cuộc thi năm nay so với năm 2020 có nhiều khởi sắc hơn về cả chất lượng lẫn số lượng bài dự thi. Về hình thức trình bày các bài dự thi cũng rất đa dạng, độc đáo và phong phú. Các video clip đều có chất lượng âm thanh tốt, nhiều hình ảnh sáng tạo độc đáo.
Điều đáng mừng là nhiều bài thi đã có những cách diễn giải, góc nhìn, sự lựa chọn giải pháp thể hiện… hết sức mới mẻ và tươi sáng, mà có lẽ phải ở lứa tuổi ấy, thời đại ấy mới có thể làm ra được. Nét chung ở các bài dự thi chính là đề cao tính nhân văn, thông qua việc các em luôn mong muốn một cái kết có hậu cho câu chuyện của mình, điều này thể hiện đúng tâm lý lứa tuổi.
Bà Bùi Thúy Hải, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao, thành viên Ban Giám khảo, nhận định: Việc triển khai cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện ở việc số lượng các bài thi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái và chất lượng cũng nâng cao rõ rệt. Các bài thi thể hiện sự đầu tư công phu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhà trường và xã hội, góp phần nhân lên tình yêu sách trong cộng đồng xã hội.
Ban Tổ chức cũng quyết định trao 6 giải tập thể cho các trường học có nhiều bài thi đạt chất lượng cao nhất và chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất để gửi về tham dự vòng chung kết do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Dự kiến, cuộc thi sẽ được tổng kết và trao giải tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2021.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, thành viên Ban Giám khảo, chia sẻ: Nhiều bài thi thể hiện bằng hình thức viết tiếp câu chuyện rất sáng tạo sinh động và trí tuệ. Học sinh đã tiếp cận sách rất chăm chú, tâm huyết, thể hiện những cảm nhận của mình một cách nhuần nhị.
Cũng theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, cuộc thi đã đề cập đến những vấn đề toàn diện của văn hóa đọc hiện nay, trong đó có những hình thức thể hiện bằng lối viết sáng tác, làm clip, sưu tầm ảnh rất mới mẻ. Cuộc thi đã làm thay đổi nhận thức về văn hóa đọc. Và thêm một lần Thư viện Quảng Ninh đã làm được một việc rất có ý nghĩa. Cái ý nghĩa ấy mà lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thì sẽ giúp cho xã hội của chúng ta tươi đẹp hơn lên rất nhiều. Điều đó cũng thể hiện kết quả của sự giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ được phát huy. Và chúng ta sẽ có được một thế hệ trẻ nhiều triển vọng như chúng ta hằng mong đợi.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()