Tất cả chuyên mục

Tôi đã từng được nghe và tận mắt thấy những giống lan quý giữa đại ngàn ở các vùng cao. Trên Vịnh Hạ Long cũng có giống lan hài quý hiếm sống trong điều kiện khắc nghiệt trên núi đá, giữa sóng nước, biển mặn và nắng gắt, nhưng lại rất đẹp và quý khiến tôi tò mò.
*Đi tìm "Nữ thần sắc đẹp" trên Vịnh Hạ Long
Trung tuần tháng 5, tôi theo chân cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đi tìm hiểu về loài lan hài đốm (tên khoa học là lan hài đốm Paphiopedilum Concolor) được coi như "báu vật" của biển này. Có giai thoại cho rằng, lan hài trước đây còn được coi là “nàng vệ nữ” biểu trưng cho sắc đẹp của loài thực vật quý giữa biển theo như những câu chuyện hấp dẫn của ngư dân miền biển Hạ Long vẫn kể.
![]() |
Lan hài đốm được bảo tồn chuyển vị nở rộ trên Vịnh Hạ Long. |
Từ cảng tàu Bến Đoan, chúng tôi lên tàu hành trình ra Cửa Vạn khi tiết trời mang cái oi nóng đặc trưng của mùa hè. Theo chân những người bạn của tôi đang công tác tại Phòng Nghiệp vụ nghiên cứu (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) đi “thăm” lan hài, loài lan quý hiếm trong quần thể đa dạng sinh học trên vịnh Hạ Long. Có đi, có quan sát mới thấy hết sự vất vả thậm chí nguy hiểm của những người làm công việc đặc biệt này. Ấy thế mà những cán bộ dự án này vẫn gọi vui loài lan ấy là “em” bằng tất cả tình cảm, sự yêu thương.
Thuyền nhẹ lướt qua đảo Titop rồi dần đến làng chài Cửa Vạn với những cơn gió biển của buổi sớm thổi vào mát rượi. Vừa ngắm cảnh, anh Minh, cán bộ Phòng Nghiệp vụ nghiên cứu vừa chia sẻ: Ngoài vẻ đẹp cảnh quan, địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long còn có nhiều giá trị. Đa phần chúng ta và ngay cả người làm công tác nghiên cứu cũng chưa biết hết những bí ẩn và giá trị của đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long. Lan hài là một trong số đó, là loài thực vật có giá trị về nguồn gen quý tại Vịnh Hạ Long.
Đây là loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, có đặc trưng sống tại vùng núi đá vôi, được xếp vào nhóm các loài bị đe dọa tuyệt chủng do buôn bán, nằm trong danh mục đỏ thế giới và nhóm I (Nhóm nghiên cứu cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc tuyệt chủng)...
Tàu dừng ở bè quản lý khu vực Cửa Vạn, tôi cùng cán bộ quản lý khu vực lên xuồng chạy một vòng xung quanh làng. Điểm đến của chúng tôi là dãy núi dọc và phía sau làng chài Cửa Vạn. Đây đều là các địa điểm có địa hình vách đá thẳng đứng, theo hướng Bắc, có nhiều cụm trúc núi sinh sống và thảm thực vật khá dày.
Thế nhưng dù chỉ lướt qua, nhưng cán bộ phòng nghiệp vụ đều chỉ rõ những điểm có lan hài và những điểm đang được trồng bảo tồn. Điểm đến cuối cùng là mỏm Tùng Cuối, vốn là dãy núi sau lưng khu nuôi trồng thủy hải sản ở Cửa Vạn. Lẽ thường đi vịnh chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy chúng từ xa, nở vàng cheo leo trên những vách đá cao.
Đi cùng cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tôi mới có dịp tới tận nơi, nhìn tận mắt từng cụm lan hài dù đường lên thì vất vả, cheo leo và khá nguy hiểm. Quả thật, từng bụi gồm nhiều cá thể, lá thuôn dài có nhiều đốm hoa có màu vàng, đốm xanh đậm trên mặt. Lan hài nổi bật với hoa màu vàng tươi có nhiều đốm đỏ nhỏ điểm xuyết trên cánh tạo vẻ đẹp nổi bật giữa sườn núi. Lan hài thường ra khá sai hoa, mỗi cành hoa của lan hài cao chừng 5- 7cm, thường có 1- 3 hoa nở thành từng vạt rất đẹp mắt. Hoa đẹp lại có mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu thoảng mùi táo... Quả thật vào mùa sẽ tạo ấn tượng đẹp cho du khách tham quan, ngắm cảnh.
"Lan hài thuộc họ lan đất sống, dù rất đẹp và quý nhưng lan hài thường mọc ở những khu vực vách đá cheo leo hoặc ẩn ở khu vực rừng trúc rất khó tiếp cận. Trước lan hài phân bố khá rộng từ Nam đến Bắc (như ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) nhưng hiện nay số lượng không còn nhiều, đặc biệt với vùng biển đảo chỉ có thể tìm thấy ở những đảo đá vôi trên Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long và vài đảo phụ cận... thì lại càng giá trị" - anh Minh giải thích.
Anh Minh nói thêm: “Hài vệ nữ ngày nay được tính vào dạng quý, hiếm cũng bởi số lượng dần cạn kiệt. Đây là giống loài khá "khó tính", chỉ sống, ra hoa trong môi trường tự nhiên. Thật kỳ lạ là hoa nở nhiều trong tự nhiên như này thì rất nhiều nhưng khi nuôi cấy mô thì cây vẫn sống nhưng không thể cho hoa...”
*Gian nan quá trình nhân giống, bảo tồn lan quý
Anh Minh vừa đi vừa kể những câu chuyện thú vị về về loài lan, về quá trình nhân giống loài lan này khiến quãng đường đi của chúng tôi ngắn và dường như bằng phẳng, dễ dàng hơn. Anh say sưa: Đây là một trong những điểm thí điểm chính trên Vịnh. Khởi nguồn là từ năm 2015, thấy được tầm quan trọng, sự quý giá của loài lan này, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã cho khảo sát.
Năm 2016 trồng thử nghiệm ở Cống Đầm với khoảng 100 gốc nhằm mục đích gia tăng số lượng trên một vùng tự nhiên. Thấy được kết quả khả quan, từ năm 2017, Ban đã tiến hành khảo sát, thực hiện thu mẫu và nhân rộng mô hình trồng bảo tồn lan hài vệ nữ hoa vàng tại trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn và khu vực Cống Đầm trên vịnh Hạ Long với hơn 500 cá thể.
![]() |
Để chuyển vị thành công, lan hài đốm được đưa tới các điểm cao, vách núi, chọn những hốc đá dưới tán cây hay gốc trúc núi để cây thuận lợi sinh trưởng. |
Câu chuyện này gợi tôi nhớ tới buổi khảo sát đa dạng sinh học, Tiến sỹ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện sinh thái Miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đánh giá: Ngoài những giá trị về thẩm mỹ, địa chất địa mạo, Vịnh Hạ Long còn mang giá trị về đa dạng sinh học đặc sắc, được đánh giá là một "kho báu" vô giá. Việc áp dụng các giải pháp nhằm làm tăng tính đa dạng sinh học cho lan hài là cách làm rất cần thiết. Nên thời gian qua, chúng tôi cũng thực hiện giám sát đối với lan hài đốm Paphiopedilum Concolor và một số động, thực vật đặc hữu quý hiếm khác trên Vịnh. Qua nghiên cứu và giám sát ban đầu, nhìn chung có thể thấy các bạn đang sở hữu trong tay một "kho báu" thực sự.
Quả thật, có đi mới thấy hết sự vất vả và đôi lúc còn tiềm ẩn cả sự nguy hiểm của công việc đặc biệt này. Dưới cái nắng oi ả, gay gắt đầu hè, anh em chúng tôi men chân theo những triền đá núi vôi chỉ đủ chỗ để một chân, có những chỗ phải bám vào bụi cây để lấy điểm tựa mà bước đi. Có chỗ phải bước lên những mỏm đá hà bám kín, đá tai mèo sắc lẹm... tới mức tưởng như đế giầy của mình có thể bị cắt đứt ngọt sớt bất cứ lúc nào. Dù chỉ là chuyến thăm, khảo sát nhưng như thế tôi đã thấy khá vất vả và nguy hiểm!
Thế nhưng để thực hiện và đạt thành quả trong nhân rộng lan hài không hề đơn giản. Bởi đặc thù lan hài phân bố trên cao ở những khu núi đá cao hoặc vách cheo leo nên việc tìm và tách các nhánh lan không dễ. Việc nhân giống được thực hiện theo hình thức bảo tồn chuyển vị. Tức là lan hài ở những khu vực được khảo sát, sẵn có như khu vực Tam Cung, Soi Ván, Cống Đầm...
Tuy nhiên việc chuyển vị chỉ được thực hiện ở những khu vực có nhiều lan, nằm xa, khuất tầm nhìn. Lan hài sau khi tách nhánh cần phải ươm trồng ngay, không để héo hỏng. Lan được trồng trong hốc đá hoặc phía dưới các tán cây lớn, bụi trúc núi lớn hoặc các hốc đá... với giá thể lót phía dưới bằng sơ dừa kèm phân vi sinh đã ủ hoại mục... để cây dễ sống, bén dễ nhanh. Bởi theo kinh nghiệm thì dưới các tán cây, bụi trúc thường có nhiều mùn phân hủy từ lá cây, lá trúc làm "thức ăn" để lan sống và sinh trưởng lâu bền về sau.
Cùng theo chân anh Minh vòng quanh những khóm lan hài được trồng tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, lắng nghe những câu chuyện về việc chăm sóng giống cây quý, hiếm. Anh Minh cho biết: Lan thường sinh sống theo hướng Bắc Vịnh Hạ Long, dưới những tán trúc vì mùn trúc sẽ tăng nguồn dinh dưỡng cho cây hấp thụ. Thời gian đầu, anh em cũng gặp nhiều khó khăn, lan chưa thích nghi với điều kiện mới nên mỗi người cán bộ nghiên cứu cũng phải tăng cường theo dõi, chăm sóc hạn chế tối đa cá thể bị chết sau khi trồng. Từ chọn địa điểm để triển khai dự án, chúng tôi cũng phải tìm khu vực phù hợp nhất để lan hài vệ nữ phát triển sinh trưởng ổn định, cho đến quá trình chăm sóc hàng ngày, tưới nước, kiểm tra sâu bệnh… cũng được tiến hành định kì.
![]() |
Cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long trên đường khảo sát lan hài đốm. |
Để cây sống, ban đầu cán bộ thực hiện dự án phải tưới "mồi" liên tục trong khoảng 1-2 tháng đầu để lan dần quen và sống. Không chỉ vậy, yêu cầu chuyển vị đã khó, việc tiếp cận những khu vực vách đá cao, những khu vực thoáng tầm nhìn với du khách lại càng không đơn giản. "Giờ nhìn cán bộ nghiên cứu mà ai cũng đen như than cháy nhưng vui lắm vì đa số cá thể lan hài mà anh em chúng mình trồng đang phát triển rất tốt” - anh Minh cười chia sẻ.
Cùng lắng nghe chia sẻ về những thách thức mà những cán bộ ở đây gặp phải mới thấy hết sự quyết tâm trong việc bảo tồn loài lan hài quý hiếm, cũng như bảo tồn nguyên vẹn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long. Những khó khăn do địa hình dường như chưa là gì so với “nỗi lo” cho sự thích nghi, chăm sóc và phát triển của lan hài trước bao tác động từ tự nhiên và cả con người. Trong giai đoạn đầu thử nghiệm trồng và chăm sóc, Ban quản lý Vịnh cũng như phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu đã phải nghiên cứu tỉ mỉ, cặn kẽ về đặc tính, đặc trưng của lan hài vệ nữ, địa điểm sống lý tưởng cho tới những điều kiện về thổ nhưỡng…
Anh Minh vui vẻ cho biết: Quả thật công sức dự án, tâm huyết của phòng những năm qua không hề uổng phí. Qua bao khó khăn và thử thách bước đầu, đến nay đa số cá thể lan được trồng tại những địa điểm nghiên cứu đều sinh trưởng tốt, những khóm lan hài đã trổ hoa vàng như một món quà, khẳng định công sức của dự án.
Đưa lan hài đến với du khách
Có thể nói triển khai dự án trồng bảo tồn lan hài trên Vịnh Hạ Long là một hoạt động ý nghĩa, vừa góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật quý làm cơ sở dữ liệu cho các hoạt động nghiên cứu, tham quan, học tập. Đồng thời, để có cơ sở vững chắc cho các dự án tương lai, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang tiến hành giám sát loài này định kỳ; giao quản lý, bảo vệ, kiểm tra thường xuyên, đồng thời xử lý nghiêm theo luật những người cố tình hái, phá hoại loài thực vật này.
![]() |
Lan hài đốm được trồng trên các ngách núi ở Mê Cung tạo điểm nhấn vào mùa hoa nở cho du khách tham quan. |
Hiện, các khu vực được lựa chọn là Khu vực làng chài Cống Đầm, Cửa Vạn lan đã phát triển khá tốt. Đây vốn là các khu vực có địa hình đẹp kéo dài từ phía Bắc sang phía Tây. Hai bên là vách đá với nhiều vi sinh cảnh thuộc hệ sinh thái thảm thực vật trên núi đá vôi. Đặc biệt, trên các vách đá dọc theo chiều dài của làng chài ở độ cao 4-5m so với mực nước biển có sự phân bố nhiều Lan hài, rất thuận lợi cho việc quan sát và chụp ảnh.
Những vách đá này rất thích hợp để trồng chuyển vị các cá thể lan hài đốm, kết hợp với những loài thực vật tự nhiên khác tạo thành khu trưng bày giới thiệu cho du khách. Vào mùa hoa nở, khách tham quan ngồi trên thuyền nan đi dọc làng chài được khám phá các loài thực vật Vịnh Hạ Long, đặc biệt là những vạt Lan hài sẽ là một trải nghiệm thú vị. Đó không chỉ là mong muốn của du khách, của các đơn vị kinh doanh hoạt động chèo đò cho du khách tham quan mà còn là một ý tưởng, một dự định hay hy vọng sớm được triển khai trong tương lai.
Tạ Quân
Ý kiến ()