Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:46 (GMT +7)
Dịch bệnh kéo dài, xuất khẩu hàng hóa suy giảm
Thứ 6, 01/10/2021 | 10:39:59 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa giảm sút những tháng gần đây.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đang gặp nhiều khó khăn do gián đoạn sản xuất vì những quy định phòng, chống dịch bệnh. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) thông tin, 19 tỉnh phía nam và các tỉnh Nam Trung Bộ là khu vực trọng điểm của ngành thủy sản, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu gặp khó
Trong 2 tháng giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 30% nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì sản xuất cầm chừng bảo đảm được “3 tại chỗ”. Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện đã phải ngừng sản xuất. Công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% với ngành chế biến thủy sản.
Riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu lao động, không huy động được nguồn nguyên liệu để sản xuất, trong khi, chi phí sản xuất tăng mạnh. Những yếu tố này đã khiến xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong tháng 8 và tháng 9.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục hoạt động sản xuất bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp mất khách hàng do giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên không thể đến cơ sở sản xuất hoặc đã về quê, cách ly, đang điều trị Covid-19…”.
Những khó khăn của ngành thủy sản cũng là khó khăn chung của hoạt động xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù đã chịu ảnh hưởng mạnh trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: “Xuất khẩu hàng hóa đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên tháng 9 có sự suy giảm thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp”.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD.
“Kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 30%, song không đáng lo do nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu hàng hóa tăng, các doanh nghiệp của ta đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu nước ta”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Ngoài ra, giá cước vận tải biển tăng thời gian qua cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu. Xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay đã làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại.
Tận dụng hiệu quả cơ hội quý cuối năm
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.
Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải bảo đảm phòng, chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử…
Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía bắc.
“Thủ tướng yêu cầu, hiện nay do dư địa tăng trưởng không nhiều nên những yếu tố nào có thể tăng trưởng được thì phải tăng. Bộ Công thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA; tạo điều kiện về cải cách hành chính… để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5% nhưng Bộ Công thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Về cán cân thương mại, mặc dù hiện nay cả nước đang nhập siêu, song mức nhập siêu chỉ tương đương 0,8% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo.
Bộ Công thương dự báo, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Cho nên, kết thúc cả năm 2021, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng. Còn nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước có thể xuất siêu.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()