*Nhật Bản - Việt Nam: 17h35 thứ Ba 29/3
Trên dòng chảy lịch sử bóng đá Việt Nam, Nhật Bản vốn gần gũi và có nhiều nét tương đồng. Nó khởi nguồn từ câu chuyện "Đôi giày nhỏ" cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong trận giao hữu năm 1959 trên sân Thống Nhất, đội khách tặng chủ nhà mỗi người một đôi giày nhỏ với dụng ý khiêm nhường rằng họ chỉ là nền bóng đá nhỏ so với Việt Nam lúc bấy giờ. Trận đó, Nhật Bản thua 0-3.
Từ một nền bóng đá xếp ngoài top 20 ở châu Á như thế, Nhật Bản vươn mình trở thành số một và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Năm 2014, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thậm chí công bố nghị quyết học theo cách làm bóng đá của Nhật Bản sau một thời gian với nhiều giai đoạn học hỏi... tứ phương. Khi đó, Nhật Bản được xem như đích đến với kế hoạch dài hạn lên đến gần 20 năm. Hệ thống thi đấu tại xứ mặt trởi mọc có nhiều tương đồng, với các CLB mang nặng tính địa phương theo kiểu Việt Nam, phong cách thi đấu và yếu tố thể hình cũng không quá khác biệt. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có trách nhiệm đầu tư cho bóng đá tại quê nhà, và đa số đều kinh doanh tại Việt Nam nên cơ hội để cầu thủ chúng ta sang đó cũng thuận lợi hơn. Trường hợp của hãng bia Sapporo với Lê Công Vinh năm 2013 là ví dụ.
Nhưng, sau khoảng 10 năm, thứ duy nhất mà Việt Nam từng thể hiện một cách cụ thể nhất là thuê HLV Toshiya Miura. Phần còn lại hầu như không thấy dấu ấn nào, cho đến gần đây mới có những giao lưu của Sài Gòn FC với một số đội bóng tại J-League 2. Điều này trái ngược với bóng đá Thái Lan, nơi từng thuê một chuyên gia Nhật Bản giữ vị trí giám đốc kỹ thuật đến tám năm.
Một chiến lược tưởng chừng có tầm nhìn lớn lao đã đột nhiên dừng lại, trùng với thời điểm các đội tuyển Việt Nam đạt thành công với HLV Park Hang-seo. Chuyện đội tuyển do HLV nào dẫn dắt không liên quan đến cách làm bóng đá của một quốc gia, nhưng thực tế, các kế hoạch hợp tác "chuyển giao công nghệ" với J-League không còn được nhắc đến. Chuyên gia Nhật Bản sang làm việc được hai năm, xây dựng nên một bảng tổng kết các điểm cần khắc phục của V-League, nhưng sau đó chẳng ai đả động đến. Mọi nguồn lực đều được dồn hết cho cấp độ đội tuyển, và ở đó tầm ảnh hưởng thuộc về các nhà cầm quân Hàn Quốc. Thế nên, khó có thể trả lời hiện nay bóng đá Việt Nam đi theo trường phái Nhật Bản, Hàn Quốc hay... châu Âu.
Gặp Nhật Bản ngày 29/3 là trận đấu cuối cùng của Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. Đây là dịp CĐV Nhật Bản ăn mừng lần thứ bảy liên tiếp đội tuyển của họ giành quyền dự World Cup kể từ lần đầu tiên năm 1998. Ngược lại, không ai biết đây có phải là trận cuối cùng của Việt Nam tại vòng loại cuối của các kỳ World Cup hay không. HLV Park và thế hệ của những Quang Hải, Hùng Dũng, Công Phượng... đã lập kỳ tích, nhưng triển vọng ở đợt tham gia vòng loại World Cup kế tiếp vẫn mơ hồ. Hiện tại, Việt Nam chỉ có thể hy vọng các cầu thủ trong tay HLV Park sẽ duy trì phong độ thêm bốn năm nữa, chứ ít ai chắc chắn về cơ hội của những thế hệ kế tiếp. Bởi, kể từ "cú nổ" năm 2018, cấu trúc cũng như cách vận hành của bóng đá Việt Nam hầu như chưa thay đổi. Đội tuyển tiến bộ, nhưng bên dưới chưa tạo ra sự an tâm cũng như dấu ấn rõ nét về tính kế thừa.
Ba năm trước tại UAE, Việt Nam chỉ thua Nhật Bản 0-1 tại tứ kết Asian Cup với đội hình trẻ trung và tràn trề triển vọng phát triển. Nhưng, trong khi Nhật Bản vẫn cho thấy họ đứng đầu châu Á, Việt Nam dần bộc lộ sự hụt hơi trong từng nhiệm vụ, dù gần gũi như AFF Cup hay quá tầm như vòng loại cuối cùng World Cup hiện nay. Chính vì thế, trận đấu Nhật Bản có thể xem như một "điểm dừng" ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Một thời khắc để nhắc nhớ về việc bóng đá Việt Nam đã đi xa đến đâu, và cần làm gì kế tiếp, trong đó có cả việc xem lại các chiến lược phát triển.
Ý kiến ()