Đón xuân Quý Mão, khu vực đài phun nước ở Quảng trường Nhà hát Lớn TP Hải Phòng được trang hoàng hoa cúc, hoa trạng nguyên thành vòng tròn, tạo hình những hoa phượng - biểu tượng của thành phố cảng.
Dịp này, Ban quản lý dải trung tâm và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã sử dụng hàng trăm nghìn chậu hoa để trang trí vườn hoa Lê Chân, Tam Kỳ, Nguyễn Du, Kim Đồng, Tố Hữu..., phố đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, hô Tam Bạc và Quảng trường Nhà hát Lớn. Tổng chiều dài là khoảng 2,7 km. Ảnh: Lê Tân
Chiều 26 tháng Chạp, tại Quảng Bình, nhiều người dân đi dạo ở Quảng trường Hồ Chí Minh để ngắm khu nghệ thuật Đồng Hới chào xuân vừa được hoàn thành. Nổi bật là khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình được trang trí nhiều loại hoa rực rỡ.
Phía trước tượng đài, những con thuyền rồng chở hoa nhằm gửi gắm thông điệp TP Đồng Hới băng băng vượt sóng, tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong năm Quý Mão.
Năm nay, TP Đồng Hới tổ chức 25 điểm hoa, đường hoa ở 9 xã phường đón năm mới. Ảnh: Hoàng Táo
Đường hoa Lý Tự Trọng ở TP Huế, là nơi khai mạc Hội Xuân Quý Mão hôm 25 tháng Chạp. Nổi bật nhất ở địa điểm khai mạc này là số 0 trong dãy 2023, được cách điệu hình con mèo.
Hội xuân trang trí 348.000 cây hoa các loại trên các công viên, điểm xanh, 160 giỏ hoa trên các trục đường chính của thành phố. Đặc biệt là một công viên hoa được sắp đặt trải dài theo dòng sông Hương, qua các điểm: Công viên dọc đường Lê Lợi, Bia Quốc học Huế, Cồn Dã viên... Ảnh: Võ Thạnh
Tại Đà Nẵng, đường hoa trước tòa nhà hơn 100 tuổi trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), từng là Toà thị chính thời Pháp (nay đang trùng tu làm bảo tàng), được trang trí tiểu cảnh cùng hàng chục linh vật mèo. Đường hoa dài khoảng 300 m ven sông Hàn này sẽ hoàn thành ngày 28 Tết để phục vụ người dân và du khách.
Dự án trang trí hoa - điện chiếu sáng phục vụ Tết Nguyên đán được TP Đà Nẵng đầu tư khoảng 14,5 tỷ đồng. Trong đó, ngoài trang trí đường hoa từ nguồn đầu tư công tại địa điểm trên còn có các tiểu cảnh ở hai đầu cầu Rồng và một số vị trí khác trên địa bàn thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông
Quảng trường Phạm Văn Đồng trên đường cùng tên ở TP Quảng Ngãi là nơi thành phố cho các tiểu thương thuê mặt bằng bán hoa Tết và là chợ hoa Tết lớn nhất tỉnh này. Năm nay hai góc bắc và nam ở phía tây quảng trường được kết hoa theo hình cờ tổ quốc. Ảnh: Phạm Linh
Tại đường hoa xuân Phan Thiết, các mô hình đặc trưng của tỉnh Bình Thuận cũng được thiết kế như: cánh đồng điện gió, sân bay Phan Thiết... Ảnh: Việt Quốc
Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) dài 600 m, mang chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh – Xuân an vui, xuân thịnh vượng thể hiện muôn sắc xuân để ghi dấu mốc 20 năm công trình văn hóa đã thành biểu tượng của thành phố vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, đường hoa sử dụng khoảng 88 giống hoa, 18 loại lá, gần 106.000 chậu, giỏ hoa các loại và hơn 300 m2 cỏ. Tuyến đường mở cửa từ từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Ảnh: Quỳnh Trần
Một góc đại cảnh mang tên Thành phố thịnh vượng tại đường hoa Nguyễn Huệ với điểm nhấn là cặp mèo cao lần lượt 4,5 m và 5,5 m kết bằng vải. Mô hình tái hiện giống mèo tam thể đặc trưng của Việt Nam, quấn quýt bên nhau như lời chúc cho năm mới đoàn viên, hạnh phúc.
Theo âm lịch, 2023 là năm Quý Mão đại diện bởi con mèo. Đây là loài vật đứng thứ tư trong 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), được xem biểu tượng của sự trường thọ, hòa bình và thịnh vượng. Ảnh: Quỳnh Trần
Một góc vườn hoa nghệ thuật Xuân Quý Mão 2023 tại TP Cần Thơ với mô hình thuyền hoa trên Chợ nổi Cái Răng, điểm du lịch nổi tiếng miền Tây. Vườn hoa nghệ thuật dài 240 m, rộng 20 m, được xây dựng tại công viên sông Hậu, với kinh phí 1,3 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa, mở cửa phục vụ từ 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. So với năm ngoái, đường hoa năm nay khiêm tốn hơn về quy mô cũng như tiểu cảnh trang trí. Ảnh: Huy Phong
Ý kiến ()