Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:17 (GMT +7)
Điểm sáng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thứ 7, 05/03/2022 | 08:20:48 [GMT +7] A A
Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn và đạt mức tăng trưởng thuộc hàng đầu cả nước. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo sức bật, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước.
Linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành
Tại các báo cáo của Chính phủ về triển khai nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tỉnh Quảng Ninh luôn được đánh giá là địa phương đi đầu và triển khai có hiệu quả các nội dung, là một điển hình tốt với nhiều sáng kiến cải cách, gắn việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo yêu cầu của nghị quyết.
Điều này được thể hiện qua những thành tích nổi bật: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tiếp được nâng cao, 8 năm liên tiếp đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 4 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân; là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 đến nay. Năm 2020, Chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh năm thứ 4 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc; Chỉ số SIPAS đứng thứ nhất toàn quốc 2 năm liền; Chỉ số PAPI lần đầu tiên bứt phá mạnh mẽ lên vị trí thứ nhất; Chỉ số ICT 2 năm xếp thứ 3 toàn quốc…
Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đóng vai trò tiên quyết, quyết định sự thành công trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo; gắn công tác CCHC với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn chủ động nhận định, đánh giá những dư địa CCHC, từ đó nghiên cứu, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch và triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.
Từ năm 2014 tới nay, các nghị quyết của tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm đều chú trọng đưa nội dung này vào là một trong những trọng tâm, thể hiện ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh.
Gần đây nhất, ngày 9/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết quan trọng của nhiệm kỳ 2021-2025 đã thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và khó khăn của doanh nghiệp, người dân, trong các năm 2020, 2021, HĐND tỉnh đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề (2 nghị quyết về đảm bảo an sinh và ổn định tình hình kinh tế - xã hội; 6 nghị quyết về các giải pháp kích cầu du lịch; 1 nghị quyết về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19).
Tỉnh linh hoạt, sáng tạo và chủ động, tích cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo các chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh. Nổi bật năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2313/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND cấp huyện chủ động rà soát, triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị phân tích các chỉ số cải cách của tỉnh (tháng 7/2021), Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quy mô từ cấp huyện, sở, ngành cho tới cấp tỉnh, để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh. Trong đó phải kể đến việc kịp thời đưa ra một số nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, với gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng. Hay những giải pháp tháo gỡ khó khăn rất kịp thời cho các ngành trọng điểm như Than, Điện; đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh yên tâm, mà còn thu hút được nhiều nhà đầu tư khác đến với tỉnh.
Tỉnh cũng tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình mới. Trong đó ưu tiên cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là công nghiệp than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN; nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…
Tiên phong thực hiện các mô hình mới đột phá
Trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Quảng Ninh luôn được trung ương đánh giá là “cái nôi” của những mô hình hay, cách làm sáng tạo, đột phá, là điểm sáng cho các địa phương khác học hỏi và làm theo.
Dấu ấn quan trọng nhất thời gian qua phải kể đến việc tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược. Từ đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... của tỉnh liên tục có bước phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh tiếp tục đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh hiện là địa phương duy nhất trong nước huy động nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế, Cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc… nhằm thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Quảng Ninh cũng luôn chủ động, hỗ trợ, phối hợp với các địa phương xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng và các hạ tầng trọng yếu khác.
Năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tỉnh vẫn khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm với mức đầu tư lên đến 283.000 tỷ đồng: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1); Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Ngày 26/1/2022, Quảng Ninh đã tổ chức khánh thành Cầu Tình Yêu và Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1), công trình đánh dấu mốc ấn tượng về kỷ lục thời gian thi công nhanh nhất, góp phần mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác CCHC của tỉnh tiếp tục có bước đột phá, phát huy hiệu quả thực tế. Đến nay, toàn bộ hệ thống TTHC của tỉnh được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm 40-50% thời gian thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch. Hệ thống trung tâm hành chính công các cấp hoạt động theo nguyên tắc "5 tại chỗ"; hiệu quả của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được nâng cao.
Đến nay đã có 1.712/1.831 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; trong đó có 1.387 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 75%). Tỉnh cung cấp 1.180 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 75%), là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia cao nhất cả nước.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” chất lượng hoạt động, điều hành của bộ máy chính quyền cấp cơ sở thông qua bộ chỉ số DDCI. Các chỉ số của DDCI tỉnh liên tục được cập nhật, điều chỉnh để bám sát với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, theo hướng ngày càng phản ánh tốt hơn cảm nhận và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp với chất lượng phục vụ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, không tránh né những vấn đề nhạy cảm.
Qua 7 năm xây dựng và triển khai, bộ công cụ đo lường DDCI đã ngày càng phát huy hiệu quả, tính ứng dụng và nhận được sự ủng hộ, vào cuộc chủ động của các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh; sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm hơn của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp; sự đánh giá cao của các chuyên gia, các cơ quan truyền thông và các địa phương trên cả nước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ được các cấp, ngành triển khai hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên duy trì kết nối, trao đổi thông tin để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh luôn chú ý nâng cao hiệu quả các mô hình tổ công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, như: Thành lập các tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án; Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Tổ Investor Care) để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, GPMB..., hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Tỉnh đa dạng kênh thông tin trên mạng xã hội để tiếp thu thông tin chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên có trang fanpage DDCI kết nối với fanpage DDCI các địa phương và sở, ban ngành; thiết lập trang Zalo Quảng Ninh Investor Care để cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời để tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhờ đó, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động SXKD, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD. Trong đó, có 85 dự án trên địa bàn các KCN, KKT, tổng vốn đầu tư đăng ký 4,19 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT, tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,69 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI 5 năm gần đây đạt 8 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước trên 6.400 tỷ đồng.
Năm 2021, GRDP của tỉnh đạt 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc và cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng kinh tế bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 7.600 USD, tăng trên 9% so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm trước. Tổng thu NSNN đạt trên 52 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán trung ương giao, 102,9% dự toán HĐND tỉnh, tăng 7% so với năm 2020; trong đó thu nội địa đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, thu XNK trên 10,4 nghìn tỷ đồng.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()