Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:30 (GMT +7)
Điện ảnh Việt đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng: Phim lịch sử, thiếu nhi đang ở đâu?
Thứ 6, 29/12/2023 | 11:02:10 [GMT +7] A A
Tại "Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh", Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Nguyễn Văn Nhiêm cho rằng chế tài xử phạt với những phim vi phạm luật còn chưa kịp thời, thiếu tính răn đe. Phim lịch sử, cách mạng, phim cho thiếu nhi rất ít ỏi.
Tước hoặc đình chỉ kinh doanh với đơn vị sai phạm
Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh do Cục Điện ảnh chủ trì, diễn ra sáng 28/12.
Hội nghị tập trung phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản, quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo...
Các đại biểu dành thời gian trao đổi, nêu ý kiến về khúc mắc trong công tác triển khai Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Nguyễn Văn Nhiêm cho rằng chế tài xử phạt với những phim vi phạm luật còn chưa kịp thời, thiếu tính răn đe.
"Những bộ phim có nội dung xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, đạo đức luân lý, văn hóa cần được xử nghiêm bằng hình thức tạm dừng kinh doanh có thời hạn hoặc tước giấy phép kinh doanh. Đó là cơ sở tạo ra môi trường điện ảnh lành mạnh", ông Nhiêm nói.
Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim kiến nghị việc xử phạt phải công bằng, không né tránh, không suy diễn.
Liên quan đến vấn đề hưởng thụ điện ảnh, ông Nguyễn Văn Nhiêm cho rằng thị trường khán giả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang bị lãng quên. Vì vậy nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của họ cần được thể chế hóa, quy định rõ trong văn bản pháp luật.
"Chúng ta có doanh thu 1.500 tỷ đồng từ điện ảnh Việt trong năm 2023, nhưng cơ bản thuộc về phim giải trí. Điện ảnh Việt chưa phát triển toàn diện, đặt ra câu hỏi: Phim lịch sử, phim truyền thống, phim thiếu nhi của chúng ta đang ở đâu? Vai trò của nhà nước rất quan trọng để điện ảnh phát triển đúng nghĩa và đa số người dân hưởng thụ các tác phẩm hay", ông Nhiêm nói.
Ông cũng cho rằng, các chính sách của Nhà nước là động lực để điện ảnh thực sự trở thành ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.
Địa phương lo hội đồng thẩm định thiếu chuyên gia
Đại biểu tỉnh Sơn La cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thành lập hội đồng, phân loại phim vì thiếu chuyên gia về lĩnh vực điện ảnh ở địa phương. Địa điểm chiếu phim phục vụ công tác thẩm định, phân loại cũng hạn chế.
Trả lời ý kiến của đại biểu, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định Cục Điện ảnh đã hoàn thiện thông tư hướng dẫn cụ thể UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, phân loại phim. Thông tư sẽ ban hành trong thời gian tới.
Về thực trạng thiếu vắng phim truyền thống, cách mạng, phim thiếu nhi, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết Cục luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để phim Việt ra rạp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng hỗ trợ nhà làm phim trong nước.
"Trong 5 năm liên tục từ 2016 đến 2020, không có phim Việt Nam nào bị cấm ra rạp. Năm 2023, Cục cấp phép cho 40 phim Việt Nam, chỉ cấm một phim truyện ngắn", bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Luật Điện ảnh 2022 gồm 8 chương và 50 điều, ít hơn 5 điều so với Luật điện ảnh 2006.
Luật mới cũng đưa ra những quy định chi tiết, cụ thể về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, qua đó tạo cơ sở, hành lang cho việc tuân thủ luật. Đồng thời quy định rõ những nội dung làm tổn hại đến lợi ích quốc gia sẽ bị kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Công ty phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia thuộc một trong những nội dung nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Nếu không gỡ bỏ phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đồng thời, công ty buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()