Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:21 (GMT +7)
Điền kinh: Viết tiếp những trang "vàng" cho thể thao Quảng Ninh
Thứ 7, 01/05/2021 | 07:53:03 [GMT +7] A A
Điền kinh Quảng Ninh phát triển mạnh, bài bản từ khá sớm. Và ở thời nào, môn thể thao "nữ hoàng" này cũng đem về cho thể thao tỉnh nhà những thành tích đáng tự hào.
Điền kinh là môn có truyền thống, phát triển rất sớm và thời nào cũng sản sinh ra những tài năng. Từ trước và sau khi thành lập tỉnh (năm 1964), phong trào điền kinh 3, 4 và 5 môn phối hợp cùng phong trào chạy trong thanh niên đã phát triển và sớm khẳng định tên tuổi ở các giải miền Bắc. Từ những năm 1967 về sau, Quảng Ninh đã có những bước đi tương đối bài bản, có HLV chuyên ngành, phát triển các lớp nghiệp dư, thường xuyên cho bộ môn này đi tập huấn dài hạn. Thậm chí, điền kinh vẫn được duy trì tập luyện khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc những năm 1971-1972.
Điền kinh Quảng Ninh qua các thời kỳ luôn có các VĐV sáng giá. (Ảnh tư liệu: Đội nữ môn chạy tiếp sức 4x400m vô địch Quốc gia năm 2004-2005). |
Ưu điểm nổi bật giai đoạn này là phát triển phong trào, ưu tiên điền kinh trẻ, luôn có lớp kế cận. Thế nên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có sân chạy, nơi tập luyện tốt nhưng điền kinh giai đoạn này sản sinh ra nhiều tài năng, luôn đạt thứ hạng cao ở giải miền Bắc. Đó là các tên tuổi được phong kiện tướng, cấp 1 Quốc gia và là thành viên thường xuyên của đội tuyển Quốc gia đi thi đấu quốc tế. Tiêu biểu như các VĐV: Dương Thị Đức (800m); Nguyễn Thị Thanh (cự ly dài), Nguyễn Văn Thức (1.500m), Nguyễn Văn Kha (800m)...
Sau khi thống nhất đất nước, điền kinh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, với nhiều lớp VĐV mới như: Phí Tiến Hoà, Phạm Kiều Long... và các gương mặt nổi bật thường xuyên đem "vàng" về cho tỉnh nhà: Vũ Thị Hoa, Nguyễn Thị Vinh, Phạm Kim Dung, Hoàng Thị Quyên... Điền kinh Quảng Ninh giai đoạn này đoạt nhiều thành tích cao, như: Vô địch Điền kinh thanh thiếu niên (giai đoạn 1977-1980), giành 2 HCB tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 1 (1985); Vô địch đội nữ tại Giải Việt dã Báo Tiền phong (1988), 2 HCB tại Đại hội TDTT lần 2 (1990) cùng nhiều giải Vô địch Điền kinh thanh thiếu niên, học sinh toàn quốc; các giải Quốc tế mở rộng.
Tại các Đại hội TDTT lần 3 (1995) và 4 (2002), đoàn Quảng Ninh đều giành HCV. Đặc biệt, VĐV Vũ Thị Hoa giành 2 HCV, 1 HCB tại Đại hội TDTT lần 3, lần đầu đưa Quảng Ninh góp mặt trong top 10 địa phương, ngành dẫn đầu Đại hội.
Có thể thấy, một trong những điểm mạnh của Điền kinh ở thời điểm trước đây, tạo nên một giai đoạn rực rỡ là việc chú trọng phát triển phong trào. Phong trào ở cơ sở, từ trường học tới các Giải điền kinh Hội khoẻ Phù Đổng các cấp; các giải truyền thống cấp cơ sở tới giải cấp tỉnh... tạo nên một sân chơi rộng để tìm kiếm và đào tạo ra nhiều tài năng. Cùng với đó là không ít các cộng tác viên, những người lăn lộn với điền kinh cơ sở để tìm ra những nhân tố mới; các HLV tâm huyết nhiều năm gắn bó với điền kinh tỉnh nhà, như: HLV Nguyễn Thị Bạch Kim (giai đoạn 1967-1980), HLV Trần Thị Thảo (1982-2002) là HLV tuyển tỉnh và Quốc gia...
“Một điểm nhấn trong phát triển các tài năng "vàng" của điền kinh Quảng Ninh chính là việc đưa các VĐV "vàng" về làm công tác tìm kiếm, rèn giũa ra những tài năng. Đó chính là việc tiếp nối truyền thống, viết tiếp những trang đáng tự hào cho bộ môn” - ông Lương Bình Quảng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chia sẻ về việc tiếp nối những thành công cho điền kinh thời hiện đại.
Vì thế, sau giai đoạn 2003-2005 bị chững lại, qua thời kỳ chuyển giao, điền kinh Quảng Ninh gần đây tiếp tục trình làng nhiều gương mặt "vàng", sáng giá với vai trò huấn luyện của chính những VĐV "vàng" năm xưa. Tiêu biểu chính là HLV Vũ Thị Hoa.
HLV Vũ Thị Hoa và học trò Phạm Thị Huệ, HCV cự ly 10.000m SEA Games 30. |
Sau thế hệ "vàng", gần đây điền kinh Quảng Ninh đã trình làng những gương mặt đáng tự hào như: Phạm Thị Huệ, VĐV trẻ đầy triển vọng Đoàn Thu Hằng... Trưởng thành từ thể thao phong trào, Phạm Thị Huệ (SN 1996) được HLV Vũ Thị Hoa rèn giũa thành tài, giành được nhiều HCV ở các cự ly 5.000m, 10.000m tại các giải điền kinh quốc gia, quốc tế mở rộng, đặc biệt HCV tại Đại hội TDTT VIII-2018. Thành quả lớn nhất chính là HCB cự ly sở trường 10.000m ở SEA Games 29 và HCV ở SEA Games 30.
Sau Phạm Thị Huệ, một VĐV trẻ đầy tiềm năng, học trò khác của HLV Vũ Thị Hoa chính là Đoàn Thu Hằng (SN 2001) trưởng thành từ "cái nôi" điền kinh phong trào TP Uông Bí. Hằng cho thấy là một VĐV triển vọng khi xuất sắc giành HCV 21km tại Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong 2021; HCĐ 5000 và 10.000 tại Giải Vô địch toàn quốc 2020...
Như vậy, dù có nhiều thăng trầm, nhưng qua các thời điền kinh Quảng Ninh luôn biết phát huy thế mạnh phong trào, sự đóng góp của những con người giàu nhiệt huyết... để viết tiếp truyền thống cho môn thể thao "vàng" của tỉnh nhà.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()