Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 21:07 (GMT +7)
Tăng cường điều hành tín dụng, xử lý nợ xấu
Thứ 6, 20/12/2024 | 15:21:18 [GMT +7] A A
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều tác động phức tạp, đan xen cả từ thị trường trong nước và quốc tế, phần nào gây khó khăn cho việc điều hành tín dụng trên địa bàn tỉnh. Nhằm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gứn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện tốt việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân.
Đặc biệt, thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xử lý nợ xấu, NHNN chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển KT-XH đi đôi với nâng chất lượng tín dụng; coi trọng công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, nhất là các khoản nợ xấu, từ đó chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ... Theo đó, tính riêng trong 10 tháng năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã xử lý được 2.032,3 tỷ đồng nợ xấu, trong đó đôn đốc khách hàng tự trả nợ 1.531,1 tỷ đồng; sử dụng quỹ dự phòng xử lý rủi ro là 241,6 tỷ đồng; bán phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ 1,2 tỷ đồng; thu qua cơ quan thi hành án 5,5 tỷ đồng; bán nợ qua VAMC 51 tỷ đồng và qua hình thức khác là 190,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh và Viện KSND, TAND, Công an tỉnh, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại địa phương cũng được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong năm 2024, thi hành án về tín dụng, ngân hàng là 394 vụ việc, tổng số tiền 1.882,9 tỷ đồng.
Các ngành, địa phương cũng tăng cường rà soát các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đảm bảo đúng quy định. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã xử lý xóa nợ cho 1 khoản vay từ nguồn ngân sách do tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho khách hàng vay vốn thuộc chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
Cùng nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng trong tỉnh cũng chủ động điều hành lãi suất linh hoạt, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, mở rộng các chương trình tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là sau bão số 3. Nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, như: Nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5%/năm so với cuối năm 2023. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 14.510 khách hàng với dư nợ 1.032 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với 5.763 khách hàng với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 18.917 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; cho vay mới đối với 7.540 khách hàng, với tổng số tiền cho vay là 3.050 tỷ đồng...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 135/CĐ-TTg (ngày 16/12) về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng. Trong đó, yêu cầu NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống, như: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()