Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 21:46 (GMT +7)
Điệp khúc "Nỗi lo mùa cưới"...
Chủ nhật, 15/09/2013 | 07:05:09 [GMT +7] A A
Khi những cơn gió heo may thổi về, báo hiệu một mùa cưới đang đến. Mùa cưới là mùa vui, tất nhiên rồi! Vậy mà lâu nay, cứ vào mùa cưới, từ dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến các cuộc bàn thảo ở quán nước vỉa hè v.v. cái chủ đề được quan tâm nhất không hẳn là về niềm vui hạnh phúc lứa đôi, mà thường lại là những chuyện phiền toái, âu lo… Đầu tiên là nỗi lo khi được mời đi dự đám cưới. Với những người có thu nhập cao, có thể điều này “không là vấn đề”, nhưng với người có thu nhập thấp thì một tháng ba, bốn đám cưới, coi như mất đứt nửa tháng lương…
Cạnh nhà tôi có cặp vợ chồng già đã nghỉ hưu. Vốn là công chức nhà nước, hồi còn công tác, hai ông bà đều có mối quan hệ rộng rãi. Vậy nên vào dịp mùa cưới, có tháng cả thiệp mời ông, cả thiệp mời bà, tới hơn chục chiếc. Lương hưu của hai ông bà cộng lại cũng chỉ đủ… đi mừng đám cưới! “- Con cái chúng nó có phận của chúng nó, có phải ốm đau hay gì đâu mà bảo chúng “hỗ trợ’, chỉ là chuyện sinh hoạt bình thường thôi mà! Nhưng từ chối thì chẳng ra làm sao cả. Đành phải tằn tiện chi tiêu các khoản khác bù vào thôi!”- Ông già nói với tôi.
Người được mời đi đám cưới là vậy, còn người tổ chức đám cưới cũng chẳng sung sướng gì! Ngoại trừ những gia đình “có máu mặt” lấy dịp tổ chức đám cưới cho con cái để thể hiện sự “hơn người” của gia đình mình, còn lại phần đông các gia đình bình thường đều… lo ngay ngáy! Lo vì trong điều kiện “thóc cao gạo kém” như hiện nay, tổ chức như thế nào, mời những ai v.v. để vừa không bị coi là úi xùi nhưng cũng không để bị “thất thu”… Nói cách khác, đám cưới là “việc hỷ” nhưng đi dự đám cưới, như người ta thường nói vui, chẳng khác gì đi “ăn cơm bụi giá cao”…
Tại sao cả người tổ chức đám cưới và người đi dự đám cưới đều muốn đám cưới diễn ra sang trọng, vui vẻ, ấm cúng nhưng tiết kiệm, gọn nhẹ mà cái gọi là “cưới theo nếp sống mới” vẫn không được hưởng ứng? (Tất nhiên, như nói ở trên, ngoại trừ những trường hợp lấy đám cưới để “khoe mẽ”, thậm chí là để “nhận hối lộ hợp pháp”…). Trong nhiều nguyên nhân (do nhận thức, do tập quán v.v.), có một nguyên nhân mà chúng tôi muốn nói đến, đó là “áp lực cộng đồng” chưa đủ mạnh để “cưới theo nếp sống mới” thắng thế! Mà muốn vậy, nó cần sự can thiệp của chính quyền, tổ chức, đoàn thể v.v. Đành rằng đây là “việc riêng mỗi nhà”, không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm, nhưng vẫn có thể có những quy định cụ thể trong các hương ước, tộc ước v.v. Hiện nay, ở thôn, khu phố đều có nhà văn hoá, vậy nếu có đơn vị đứng ra làm dịch vụ đám cưới ở đây theo hình thức “nếp sống mới” với những quy định cụ thể về cách thức tổ chức, về chi phí v.v. sao cho hợp lý, tiết kiệm nhất (và đặc biệt nó cần được chính quyền, tổ chức Đoàn, Hội Phụ nữ v.v. thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát) thì tin rằng không ít cặp vợ chồng trẻ sẽ thích làm đám cưới theo cách này hơn.
Thông thường, một hủ tục chỉ mất đi khi có một phong tục mới tốt hơn, đẹp hơn thay thế! Đám cưới tổ chức theo kiểu “cơm bụi giá cao” cũng như vậy, nếu có một hình thức đám cưới mới hay hơn, được nhiều người ủng hộ hơn, thì tự nó sẽ không tồn tại. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và đặc biệt là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, thiết nghĩ đây là chuyện không thể không quan tâm…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()