Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:55 (GMT +7)
Điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công: Góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thứ 7, 07/07/2012 | 05:27:57 [GMT +7] A A
Ngày 29-2-2012, liên Bộ Y tế - Tài chính có Thông tư liên tịch số 04/2012 (Thông tư 04) về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước. Trên cơ sở đó, đồng thời căn cứ vào thực tế công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, kỳ họp HĐND tỉnh kỳ này sẽ đưa ra bàn, xem xét về việc quy định mức giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập do địa phương quản lý.
Bệnh nhân chờ khám tại Khoa Lao ngoài phổi, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Quảng Ninh. |
Sự cần thiết phải tăng giá
Những năm qua, công tác y tế, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên, tỉ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tăng, cơ sở vật chất, thiết bị, bác sĩ của các cơ sở khám, chữa bệnh, y tế xã được tăng cường. Một số cơ sở y tế đầu tư trang thiết bị hiện đại, triển khai được rất nhiều kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 75%; hầu hết người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, vùng khó khăn... có thẻ BHYT và được hỗ trợ, miễn, giảm viện phí theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, giá viện phí tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1038 (năm 1999) của UBND tỉnh về việc quy định giá thu một phần viện phí (mức giá tối đa của Thông tư liên bộ số 14 từ năm 1995) và Quyết định số 3761 (năm 2011) của UBND tỉnh về việc quy định giá thu một phần viện phí đối với các cơ sở khám chữa bệnh do địa phương quản lý (mức giá tối đa của Thông tư liên tịch số 03 từ năm 2006) chưa bao gồm: chi phí vật tư tiêu hao, vật tư thay thế... Còn khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kèm theo Thông tư 04 mới đây quy định mức giá tối đa đã bao gồm: chi phí về thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế...
Mặt khác, nguồn thu từ BHYT tăng cao do mức lương tối thiểu năm 2012 tăng so với mức lương tối thiểu năm 1995 và năm 2006, nhưng không giải ngân được, do giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư liên bộ số 14 (năm 1995, của liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐ-TB&XH - Ban Vật giá Chính phủ) và Thông tư liên tịch số 03 (năm 2006 của liên Bộ Y tế - Tài chính - LĐ-TB&XH) thấp, không còn phù hợp, làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là những đối tượng là bệnh nhân có BHYT không được hưởng thụ dịch vụ khám chữa bệnh tương xứng với mức đóng BHYT.
Nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở y tế hiện nay chỉ đáp ứng hoạt động thường xuyên của đơn vị; không có kinh phí để duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị phục vụ cho dịch vụ khám chữa bệnh. Cho nên, giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04 khi ban hành sẽ góp phần giảm gánh nặng tài chính cho bệnh viện, cho ngân sách, góp một phần tích luỹ đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi về mức viện phí mới, bác sĩ Trần Thanh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Giá dịch vụ tăng theo Thông tư 04 cũng chỉ đảm bảo việc thu đúng mức giá viện phí, chứ chưa phải đã đủ. Có thể nói, lần điều chỉnh này đã giải toả được một áp lực không nhỏ về kinh phí hoạt động cho các bệnh viện, bởi mức giá cũ đã quá lỗi thời so với giá cả sinh hoạt thời điểm hiện tại, không đảm bảo được việc mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất cho dịch vụ khám chữa bệnh. Vì vậy, khi tăng viện phí thì cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều được hưởng lợi, bởi giá viện phí tăng thì chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá ban đầu sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn nhưng dần họ sẽ quen khi được hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Vy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả cho biết: Theo quy định cũ, giá khám bệnh được quy định từ 500-3.000 đồng. Còn theo mức giá quy định mới, khung giá khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa của bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 20.000 đồng; bệnh viện hạng II là 15.000 đồng; hạng III là 10.000 đồng; bệnh viện hạng IV, bệnh viện chưa phân hạng, phòng khám đa khu vực 7.000 đồng và trạm y tế xã là 5.000 đồng. Cũng theo quy định mới, giá giường bệnh ở các hạng bệnh viện, trạm y tế thấp nhất từ 12.000-150.000 đồng/giường/ngày, cao nhất là 335.000 đồng/giường/ngày điều trị hồi sức tích cực, chưa bao gồm chi phí máy thở nếu có (theo quy định cũ, cao nhất là 120.000 đồng/giường/ngày tại bệnh viện hạng I điều trị hồi sức cấp cứu). Các mức giá này được quy định cho 1 người/giường; trường hợp phải nằm ghép 2 người/giường, thì các bệnh viện chỉ được thu tối đa 50%, nếu nằm ghép từ 3 người trở lên, giường chỉ được thu tối đa 30%. Nếu khảo sát kỹ thì việc tăng giá ở các bệnh viện tư đã được thực hiện từ lâu, trong khi mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh ở bệnh viện công vẫn là con số lỗi thời; hiện nhiều bệnh viện phải bù lỗ đến gần 70%/tháng. Vì vậy, các bệnh viện công nếu muốn phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt sự cạnh tranh với các bệnh viện tư, thì cần phải điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Việc điều chỉnh này là rất cần thiết và cấp bách.
Quan trọng là tăng chất lượng dịch vụ
Nhiều người cho rằng, tăng giá viện phí là cần thiết, tuy nhiên sẽ khiến không ít bệnh nhân nghèo thêm phần lo lắng, mà chưa chắc việc tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bà Lý Thị Tâm, thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn (Ba Chẽ) cho biết: “Đối với những người nghèo ở nông thôn như chúng tôi thì việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ khiến người dân miền núi, hải đảo không dám về trung tâm khám chữa bệnh. Chúng tôi ủng hộ việc tăng giá, tuy nhiên phải đi kèm với điều kiện có chính sách hỗ trợ cho người nghèo và đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh”.
Ông Lê Đình Đảo, tổ 31, khu 2, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) đang chăm sóc vợ bị tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: Việc tăng viện phí sẽ khiến người nghèo thêm nhiều mối lo. Bên cạnh việc lo lắng về bệnh tật, bệnh nhân và gia đình họ lại phải gánh thêm mối lo tài chính. Thông thường, giá tăng thì chất lượng sẽ tăng, nhưng với dịch vụ y tế thì hơi khác, sau khi tăng viện phí, người bệnh chưa thể hy vọng chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện sẽ được cải thiện hơn trước.
Một số cán bộ ngành Y tế khi được hỏi cũng không ngần ngại thừa nhận, mức viện phí mới cũng chưa phải là cơ sở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khi mà số dịch vụ y tế tăng giá chỉ chiếm khoảng 10% các dịch vụ y tế hiện có. Thêm nữa, mức đề xuất tăng giá viện phí mới nhất chỉ bằng 50% mức giá đề xuất những lần trước đó. Đây là một trong những lý do khiến nhiều bệnh viện không mặn mà với việc nâng cao chất lượng.
Theo ý kiến của nhiều người dân, nếu việc tăng giá sẽ giúp cho dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao chất lượng thì nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Với những người có điều kiện thì không thành vấn đề, còn đối với những người nghèo thì nên có chính sách hỗ trợ cụ thể để họ được hưởng lợi từ việc tăng giá này.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, có 428/tổng số 447 dịch vụ của Thông tư 04 (19 dịch vụ không phù hợp, các đơn vị không thực hiện nên không xây dựng chi tiết giá) được đề xuất mức giá. Giá đề xuất bình quân đạt 82% khung giá tối đa Thông tư 04 và khoảng 85% chi phí thực tế. |
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()