Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:50 (GMT +7)
Nêu cao trọng trách trước cử tri
Thứ 4, 11/07/2012 | 22:27:16 [GMT +7] A A
Tăng cường các giải pháp quản lý SXKD Than và bảo vệ môi trường
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ toạ kỳ họp yêu cầu đại diện Vinacomin giải trình về những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra trên địa bàn. Phó Tổng Giám đốc Vinacomin Phạm Văn Mật khẳng định, trong những năm qua, ngành Than đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra. Tập đoàn đã đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường, như các tuyến đường bộ chuyên dùng, các tuyến đường sắt, băng tải, bến cảng, trạm rửa xe...; đến nay đã đưa vào vận hành 28 công trình xử lý nước thải của các mỏ. Ngành cũng tích cực cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải đã kết thúc, như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong Hà Tu, Vỉa 7, 8 Hà Tu, Ngã Hai Quang Hanh, chính Bắc Núi Béo, Khe Rè Cọc Sáu... Đối với các bãi thải đang hoạt động, Vinacomin cũng đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị xây kè, đập chắn chân bãi thải tại các vị trí có nguy cơ tràn lấp cao, đổ thải theo phân tầng.
ĐB Hồ Văn Vịnh (tổ Cẩm Phả) đề nghị Vinacomin cho biết việc lập quy hoạch các bãi thải được triển khai như thế nào và do cơ quan nào chịu trách nhiệm quy hoạch. Đại diện Vinacomin trả lời, về lâu dài, căn cứ theo Quyết định số 60 ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”. Hiện Vinacomin đang tích cực tham mưu cho Bộ Công Thương chủ trì lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng, trong đó có quy hoạch đổ thải và bảo vệ môi trường, dự kiến sẽ lấy ý kiến tham gia của các địa phương để phê duyệt xong trong năm 2012. Trên cơ sở đó, Vinacomin sẽ triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, 5 năm cụ thể cho từng lĩnh vực đổ thải, xử lý nước thải đầu tư xây dựng các bến cảng, kho than, tuyến băng tải… phù hợp với kế hoạch tăng sản lượng các mỏ, các vùng. Đối với những bãi thải cũ, trước mắt Vinacomin thực hiện giảm số lượng đất, đá đổ thải, triển khai các biện pháp tưới nước chống bụi, xây đập kè chân bãi thải, xây tiếp 8 trạm xử lý nước thải mỏ hầm lò và 5 trạm xử lý nước thải các mỏ lộ thiên, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến băng tải vận chuyển đất đá ra bãi thải, trồng cây cải tạo môi trường.
Đại biểu Nguyễn Hải Hà, Tổ Hải Hà, chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGỌC HÀ |
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Vũ Hồng Thanh (tổ Hạ Long) phản ánh, hiện vẫn còn một số bến, bãi đổ than tự phát trên địa bàn. Vậy với trách nhiệm của mình, Vinacomin đã làm gì để chấn chỉnh tình trạng trên. Đại diện Vinacomin cho rằng, ngành Than đang thực hiện nghiêm túc Quyết định 557 ngày 3-3-2010 của UBND tỉnh, quản lý tốt các cảng Bến Cân (huyện Đông Triều), Điền Công (TP Uông Bí), Làng Khánh (TP Hạ Long), Km6, Mông Dương, Khe Dây và Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Đối với một số bến, bãi tự phát không thuộc ngành Than, Vinacomin đang tích cực phối hợp với Sở TN&MT và các ngành chức năng nhằm xử lý triệt để.
ĐB Nguyễn Chí Thăng (tổ Cẩm Phả) đề nghị Vinacomin làm rõ việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp ngoài ngành vận chuyển thuê đất, đá, cũng như xem xét, quản lý việc các doanh nghiệp mua lại xít than, tránh gây lãng phí tài nguyên... Về vấn đề này, ông Phạm Văn Mật cho biết, do khó khăn về vốn đầu tư, cần tăng cường xã hội hoá nguồn lực, nên các doanh nghiệp ngành Than ký hợp đồng với các doanh nghiệp ngoài ngành để vận chuyển thuê đất, đá. Vinacomin đã có quy định chỉ được thuê vận chuyển thuê đất, đá, không được vận chuyển than. Vinacomin xác định xít thải tại các doanh nghiệp khai thác than là một dạng tài nguyên không tái tạo, được sử dụng lâu dài và đã được Bộ Công thương và Bộ Tài chính đưa vào quản lý để tái tạo sử dụng. Vinacomin đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn xít thải, nhất là từ năm 2011, ngành Than đã quy định chỉ có các doanh nghiệp thuộc ngành mới được phép chế biến xít than thành than đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và được dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Người dân khu 6C, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) xem truyền hình trực tiếp kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XII. |
Chủ toạ kỳ họp tiếp tục yêu cầu Vinacomin cho biết các giải pháp, biện pháp cụ thể để hoàn thành Dự án đường cầu Chanh - Uông Bí, đến nay đã thi công 5 năm, chậm 3 năm so với kế hoạch. Đại diện Vinacomin đã cam kết sẽ hoàn thành gói thầu số 8 (đoạn thuộc TX Quảng Yên) trong tháng 7; còn đoạn 188m (thuộc TP Uông Bí) hiện do vướng mắc về GPMB... Chủ toạ kỳ họp đã yêu cầu UBND TP Uông Bí và đơn vị thi công là Tập đoàn Xuân Lãm làm rõ nguyên nhân vì sao chậm GPMB. Đồng chí Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND TP Uông Bí và đại diện đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành GPMB, hoàn thành tuyến đường vào ngày 15-8-2012.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Thừa uỷ quyền của UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Sở GT-VT đã báo cáo giải trình nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực GT-VT trên địa bàn tỉnh. Trước tiên là về tình hình, tiến độ triển khai các các dự án công trình giao thông trọng điểm và việc sửa chữa nâng cấp tỉnh lộ 326. Như dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 329 (đoạn Mông Dương - Ba Chẽ) được khởi công từ tháng 10-2009, phấn đấu hoàn thành trước 30-6-2012. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều, kế hoạch vốn từ đầu năm 2012 chưa được bố trí, nên rất khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác chỉ đạo điều hành. Đến tháng 5-2012, sau khi được cấp 30 tỷ đồng, các nhà thầu đã tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án. Hiện chủ đầu tư là Sở GT-VT đã chủ động điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu, chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thêm các mũi thi công cống, mặt đường hoàn thiện khối lượng công việc còn lại, phấn đấu hoàn thành dự án trước 31-12-2012.
Dự án nâng cấp tỉnh lộ 340 huyện Hải Hà khởi công từ tháng 9-2010. Trong thời gian qua, các nhà thầu xây lắp đã huy động máy móc, thiết bị, nhân lực vượt so với đăng ký để đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành lớp bê tông nhựa hạt thô trên toàn tuyến trước ngày 30-6-2012. Tuy nhiên, thời tiết trong thời gian từ đầu năm đến nay diễn biến không thuận lợi, mưa liên tục trong nhiều ngày đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Đồng thời, do đang trong giai đoạn thi công nền đường K98 và rải móng cấp phối đá dăm, nên sau khi mưa tạnh phải có nắng ít nhất từ 1 đến 2 ngày mới thi công được. Hiện nay, chủ đầu tư là Sở GT-VT đang đôn đốc nhà thầu xây lắp tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2012.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL18C từ Tiên Yên - Hoành Mô cũng gặp phải những khó khăn tương tự, tuy nhiên, đến nay công tác đào đắp nền đường đã cơ bản hoàn thành, các nhà thầu đang thi công móng cấp phối đá dăm loại II, dự kiến thi công xong móng, mặt đường trong năm 2012 và hoàn thành 3 cầu lớn trên tuyến trước Tết Nguyên đán năm 2013.
Đối với các dự án giao thông khác như: Tuyến đường vành đai phía Bắc TP Hạ Long đoạn Vũ Oai - Quang Hanh; sửa chữa, nâng cấp tỉnh lộ 326 từ Hoành Bồ đến Cẩm Phả cũng đã và đang được các cơ quan tích cực triển khai thực hiện.
Kết luận vấn đề này, Chủ toạ kỳ họp đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ngành GT-VT đối với việc cam kết hoàn thành dự án giao thông trọng điểm, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri các địa phương
Thúc đẩy hoạt động KH&CN
Giải trình về kết quả triển khai các hoạt động KH&CN 6 tháng đầu năm, đồng chí Tạ Duy Thịnh, Giám đốc Sở KH&CN chỉ rõ: Trong 6 tháng đầu năm, ngành KH&CN vừa phải triển khai kế hoạch năm 2012 đã được chuẩn bị từ năm 2011, vừa phải tiếp tục xây dựng và triển khai bổ sung các nội dung mới để kịp thời theo chỉ đạo của tỉnh. Khối lượng công việc lớn, trong khi lực lượng cán bộ quản lý KH&CN chưa có sự thay đổi, còn mỏng. Song với một tinh thần cao nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các mặt hoạt động KH&CN trên địa bàn. Sở KH&CN và các sở, ban, ngành, các địa phương đã tích cực, khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao, nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động KH&CN; đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với 16 dự án có tổng kinh phí hỗ trợ 34,75 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong cả nước; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 9 dự án có tổng kinh phí hỗ trợ năm 2012 là 190,965 tỉ đồng. UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự ủng hộ của Bộ KH&CN cả về nguồn lực tài chính cũng như các nguồn lực khác thông qua việc chỉ đạo Sở KH&CN chủ động cùng với các ngành, địa phương phối hợp với với các Ban, Vụ và các cơ quan của Bộ KH&CN để triển khai các chương trình, đề án quốc gia về KH&CN trên địa bàn tỉnh; đã được Bộ KH&CN hỗ trợ 2 dự án thương hiệu với tổng kinh phí là 2,515 tỉ đồng, hỗ trợ 9 dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN tổng kinh phí là 24,1 tỉ đồng. Với những cách làm đó đã làm cho hoạt động về KH&CN trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ nét.
Về giải trình này không có ý kiến chất vấn. Chủ tạo kỳ họp đã ghi nhận, đánh giá cao các nội dung giải trình của Giám đốc Sở KH&CN, quá trình thực hiện đã tạo ra được những kết quả đáng khích lệ. Chủ toạ cũng đề nghị, thời gian tới, Sở cần tập trung nhiều hơn nữa vào lĩnh vực khoa học ứng dụng; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm rất có ý nghĩa, nhưng cần phải nghiên cứu hình thành các vùng sản phẩm hàng hoá, đảm bảo thực hiện tốt phương châm gắn quy hoạch vùng nguyên liệu, nguồn cung cấp con giống với đầu ra của sản phẩm thì mới được coi là thành công; thực hiện tốt chức năng tham mưu cho tỉnh sớm xây dựng cơ chế nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp để thu hút đầu tư cho KH&CN.
Phạm Hoạch - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()