Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 08:46 (GMT +7)
Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước
Thứ 2, 05/08/2024 | 17:22:03 [GMT +7] A A
Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan về đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, đề ra nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm bảo đảm thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, thông suốt, đạt các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng cho phát triển đất nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, do đó, Chính phủ thường xuyên tổ chức họp về vấn đề này để bảo đảm chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, phục vụ sự phát triển của đất nước, người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, sự phát triển chung, sự an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia; do đó, cần phải nắm chắc tình hình diễn biến trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thì mới bảo đảm hiệu quả, thành công.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, tình hình trong nước và ngoài nước diễn biến nhanh, khó lường, hậu quả đại dịch Covid-19 chưa khắc phục xong, một số nước lớn như Hoa Kỳ chưa hạ lãi suất, gây áp lực lớn nước ta trong điều hành tỷ giá, lãi suất ngân hàng, do đó chúng ta không được lơ là, chủ quan.
Theo Thủ tướng, nhìn chung thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức; kinh nghiệm cho thấy, khi nào chính sách tiền tệ không tốt thì ảnh hưởng rất lớn sự phát triển chung của đất nước. Nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng. Thủ tướng đánh giá, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; nếu huyết mạch này không lưu thông thì ảnh hưởng sức khỏe của nền kinh tế.
Nhấn mạnh, từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay, chúng ta có một số chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế, do đó, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ tín dụng để xem những gì làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để tiếp tục có chính sách phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành để rà soát lại chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay phù hợp chưa, tình hình mới có gì cần thay đổi. Đặc biệt là chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sát tình hình thì đã phù hợp chưa, có gì cần điều chỉnh. Kiểm điểm tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật, đề ra một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận hơn lợi cho người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; xem xét tình hình tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay, từ nay đến cuối năm để ưu tiên tập trung hơn cho tăng trưởng. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện cung tiền ra như thế nào để hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, kiểm soát được nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Thủ tướng lưu ý phải suy nghĩ có giải pháp để số tiền trong dân gửi trong ngân hàng rất lớn được đưa ra sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng mặc dù việc thu hút tiền gửi này là rất tốt. Chúng ta cần đưa ra giải pháp để điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, nỗ lực hơn, hiệu quả hơn thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang ưu tiên cho tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, vừa qua, chúng ta đã điều hành tốt chính sách tiền tệ, nhất là vấn đề quản lý thị trường vàng, nhưng về lâu dài, phải tính toán bài bản, có giải pháp chống đô la hoá, vàng hoá một cách căn cơ, không để người dân tích trữ đôla, tích trữ vàng mà phải khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, từ đó có thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. |
* Theo NHNN, trong 7 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()