Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/09/2024 09:02 (GMT +7)
Điều hành ngân sách linh hoạt
Thứ 6, 30/08/2024 | 05:53:13 [GMT +7] A A
Quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng với nhiều đổi mới, tạo ra nguồn lực lớn phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN.
Tính riêng 3 năm trở lại đây (2021, 2022, 2023), tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 163.113 tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng bình quân 4%/năm (năm 2021 đạt 52.222 tỷ đồng; năm 2022 đạt 54.274 tỷ đồng; năm 2023 đạt 56.617 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa của tỉnh đạt 119.300 tỷ đồng, chiếm 73% tổng thu ngân sách trên địa bàn, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; thu xuất nhập khẩu đạt 43.600 tỷ đồng, chiếm 27% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Có được kết quả đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Nghị quyết số 77/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và cơ chế biện pháp điều hành ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính 3 năm (2022-2024); Nghị quyết số 72/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm (2021-2025) theo nguyên tắc ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo từ các khoản thu tập trung, khoản thu được hình thành từ các dự án do tỉnh đầu tư để có nguồn lực giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, các yêu cầu cân đối lớn của tỉnh, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương.
Hằng năm, bám sát mục tiêu thu NSNN theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo, nắm chắc, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nuôi dưỡng nguồn thu và xử lý triệt để các khoản nợ đọng kéo dài; mở rộng cơ sở thu và khai thác hiệu quả dư địa thu; tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí.
Tỉnh đã phân cấp, giao quyền cho ngân sách cấp huyện khai thác tốt nguồn thu của địa phương, chủ động nhiệm vụ của địa phương, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi trực tiếp thực hiện các chính sách của Nhà nước đến người dân.
Bên cạnh mục tiêu thu NSNN, tỉnh nghiêm túc thực hiện cân đối nguồn chi, với tổng nguồn chi 3 năm (2021, 2022, 2023) đạt 78.796 tỷ đồng (chi thường xuyên 35.136 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 43.600 tỷ đồng).
Trong quá trình điều hành chi ngân sách, tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm tính tập trung cao, đúng trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, đủ sức lôi kéo, dẫn dắt đầu tư ngoài ngân sách; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương (55%); khắc phục tình trạng manh mún, kéo dài, dàn trải, lãng phí.
Nguồn vốn chi đầu tư phát triển đã được phân bổ kịp thời cho những dự án, công trình động lực, trọng điểm. Trong đó, đã bố trí vốn khởi công mới 82 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và ngày càng được cải thiện. Năm 2021, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giải ngân đạt 91,4%; năm 2022 giải ngân đạt 91,9%; năm 2023 giải ngân đạt 92% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm.
Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN không thấp hơn 55.600 tỷ đồng và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Những kinh nghiệm có được trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách nhà nước thời gian qua là động lực quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá trong quá trình phát triển phía trước, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại của cả nước.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()