Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:25 (GMT +7)
Điều trị tái nhiễm COVID-19: Không tìm loại thuốc khác thay thế
Thứ 3, 22/03/2022 | 09:32:47 [GMT +7] A A
Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân chính khiến một người gặp phải tình trạng tái nhiễm COVID-19 là sự xuất hiện của các biến chủng mới. Hiện tìm thấy nhiều nhất là biến chủng Delta, Alpha, Beta, Omicron. Điều trị tái nhiễm thế nào là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Có thể tái nhiễm nhiều lần
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron. Trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận các trường hợp lần trước nhiễm biến chủng Omicron BA.1, sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2. Những người miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn. Xác suất tái nhiễm cũng có thể cao hơn ở những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân hiệu quả.
Thông thường khi người bệnh bị nhiễm một biến thể của SARS-CoV-2 thì sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể tự nhiên và chỉ có thể chống lại chính loại virus của biến thể đó. Vậy nên, việc tái nhiễm trên cùng một biến chủng là rất hiếm, nhưng tái nhiễm do một biến chủng mới của COVID-19 lại phổ biến.
“Với những người chưa tiêm vắc xin hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Bên cạnh đó, nhóm người trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lí nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cũng thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TPHCM cho biết, những người chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ tái nhiễm và di chứng cao hơn rất nhiều so với người đã được tiêm đủ vắc xin.
Bác sĩ Cấp cho biết thêm, thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc xin mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng. Do đó việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân. Những người có diễn biến nhẹ chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có). Những người không may có diễn biến nặng sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.
“Mặc dù trường hợp tái nhiễm có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc xin mà nhiễm bệnh lần đầu nhưng vẫn có một số bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Đặc biệt các vấn đề hậu COVID-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm”, bác sĩ Cấp cảnh báo.
Tiếp tục tuân thủ nguyên tắc 5K
Về điều trị cho người tái nhiễm, PGS Dũng cho biết sẽ điều trị như một lần mắc bệnh mới. “Điều trị và sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng thực tế của từng ca bệnh. Vậy nên khi bị tái nhiễm chúng ta không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ”, ông Dũng khuyến cáo, đồng thời cho biết có thể điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir và điều trị theo triệu chứng như ho thì có thể dùng thuốc ho, sốt dùng thuốc hạ sốt.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng thông tin, việc tái nhiễm COVID-19 trong thời gian gần (trong vòng 60 ngày) là hiếm và việc sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo là hoàn toàn có thể. “Sử dụng Molnupiravir trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp thì chúng ta nên ngưng thuốc vì lúc này phần lớn virus đã được tiêu diệt, đồng thời cơ thể đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus còn lại trong cơ thể. Để đạt được hiệu quả điều trị COVID-19 tốt nhất chúng ta nên sử dụng Molnupiravir ngay khi xét nghiệm dương tính và có triệu chứng”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.
Theo quy định của Bộ Y tế, Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tục. Nhưng trên thực tế có rất nhiều ca bệnh nhiễm COVID-19 đã sử dụng thuốc đặc trị đủ liều nhưng kết quả xét nghiệm PCR vẫn dương tính. Tuy nhiên, ông Dũng khuyên người bệnh đừng vội lo lắng hay tìm thêm những loại thuốc khác thay thế Molnupiravir, vì khi sử dụng đủ liều Molnupiravir đồng nghĩa với việc cơ thể của bệnh nhân đã có được sự điều trị tốt nhất và đã có thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên để tiêu diệt lượng virus còn sót lại trong cơ thể.
“Đã có những nghiên cứu về việc sử dụng Molnupiravir nhưng vẫn dương tính với COVID-19. Kết quả cho thấy những virus khi được đưa ra để nuôi cấy lại không thể sống được. Có nghĩa là Molnupiravir có tiêu diệt và ức chế sự phát triển của virus và thứ còn sót lại đó chỉ là xác của chúng”, ông Dũng phân tích.
Các chuyên gia nhận định, khi nhiễm COVID-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Chưa kể, với những biến chủng mới của COVID-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được.
Theo TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), SARS - CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã "thoát", tạo được miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để chống lại các đợt tấn công mới của virus gây bệnh.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()