Tất cả chuyên mục

Vùng đảo Quan Lạn từ trước đến giờ vẫn còn mang nhiều nét hoang sơ, phóng khoáng của một làng biển giữa trùng khơi nhưng gần đây, sự phát triển của du lịch đã làm làng biển này đông đúc, sôi động và cũng hiện đại hơn trước rất nhiều. Tuy vậy, du khách nào cũng cảm thấy rất quen thuộc khi bước vào không gian kiến trúc các công trình tín ngưỡng - tôn giáo nơi đây.
![]() |
Nghè thờ Phó tướng Trần Khánh Dư đang được tôn tạo lại bề thế, khang trang. |
Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. Các di tích không chỉ phong phú về loại hình mà còn gây ấn tượng bởi lối kiến trúc cũng như mục đích sử dụng rất khác nhau. Chùa Quan Lạn và miếu thờ ba anh em họ Phạm hiện nay là kiến trúc thời Nguyễn, chủ yếu xây bằng gạch. Chùa có kiến trúc giản dị, thờ Phật, thờ mẫu Liễu Hạnh và cụ Hậu là người gốc Quan Lạn, sống hiền lành phúc hậu, trước khi chết cụ đã hiến toàn bộ tài sản của mình còn lại cho nhà chùa nên được tạc tượng, thờ làm hậu Phật. Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh. Miếu thờ ba anh em họ Phạm gồm miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, miếu Sao Ỏn thờ Phạm Quý Công và miếu Đồng Hồ thờ Phạm Thuần Dụng, vị trí miếu gắn với nơi xác các ông khi chết đã trôi dạt vào bờ. Ba ông đều là bộ tướng của Trần Khánh Dư đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh trong trận Vân Đồn - Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.
Uy nghiêm, trầm mặc nhất với phong cách kiến trúc cổ là đình Quan Lạn. Theo hồ sơ di tích, đình Quan Lạn đầu tiên được xây dựng gần bến Cái Làng, trung tâm thương cảng Vân Đồn. Sau nhiều thế kỷ hưng thịnh, thương cảng Vân Đồn hoang tàn, dân Cái Làng chuyển chỗ để chuyên nghề biển, ngôi đình cũng chuyển hai lần từ 9 gian xuống còn 7 gian. Đình hiện nay được xây dựng cuối thế kỷ 19, theo kiểu chữ Công, gồm 5 gian 2 chái tiền đường, ba gian ống muống và 1 gian trái hậu cung. Đình có 32 cột cái, 26 cột quân bằng gỗ mần lái và gỗ lim, mái lợp ngói vẩy, trên bờ nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Đề tài trang trí của đình chủ yếu là hình tượng rồng, phượng và hoa lá được chạm khắc công phu, tinh xảo với những sắc thái khác nhau trên các đầu bẩy, các bức cốn, cửa võng... Các đầu đao uốn cong khiến cho mái đình trông đồ sộ nhưng rất uyển chuyển và bay bổng. Sàn đình được làm bằng gỗ, kiểu kiến trúc này chỉ có ở đình Bảng (Bắc Ninh), và đình Trà Cổ (Móng Cái). Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ được 18 sắc phong từ đời Nguyễn. Đình thờ Lý Anh Tông, người đã có công thành lập nên Thương cảng và trang, trấn Vân Đồn năm 1149 và thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng.
Cách xa đình Quan Lạn khoảng 1,5km là nghè thờ Trần Khánh Dư, kiến trúc cũ là một công trình nhỏ hình chữ Nhất, tương truyền được dựng lại trên phủ cũ của ông. Trong nghè còn có một pho tượng của Trần Khánh Dư tương truyền có từ thời Nguyễn và một số hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông. Ngôi nghè bị đổ nát những năm 1960, mới được tu sửa năm 1995 và gần đây, các doanh nghiệp, người dân đã huy động kinh phí để trùng tu lại khang trang, bề thế với quy mô rất lớn, chủ yếu là kết cấu gỗ lim, tổng kinh phí lên tới mấy chục tỷ đồng. Nhắc đến công trình này khi về làng đảo Quan Lạn, không thể không nhắc đến công lao của Trần Khánh Dư. Đại Việt sử ký toàn thư từng ghi chép lại về chiến thắng này, khi ấy thuỷ quân Nguyên đánh nước ta, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thuỳ cho phó tướng Trần Khánh Dư. Ông đã củng cố lực lượng đánh địch, tháng 1-1288, khi đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ không có lực lượng mạnh yểm trợ tiến vào Vân Đồn đã lọt vào trận địa mai phục của Trần Khánh Dư, bị tập kích, Trương Văn Hổ đại bại, phải đổ cả lương thảo xuống biển, chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam)… Chiến thắng này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Ghi nhớ công lao cũng như sự gắn bó của ông với vùng đất này, người dân đã tôn ông làm thành hoàng làng, phối thờ ở đình Quan Lạn.
Tưởng nhớ chiến thắng năm xưa, cũng như tôn vinh tinh thần thượng võ của những người con vùng biển, hàng năm, người dân nơi đây đều tổ chức lễ hội Vân Đồn kéo dài hàng chục ngày, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa tham dự. Đến Quan Lạn du lịch, biển xanh, cát trắng tinh khiết mênh mông đã là những nét hấp dẫn khó quên. Nhưng đến vào mùa lễ hội, cổ vũ cho lễ chèo bơi và tìm hiểu về những nét độc đáo trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây sẽ giúp bạn hiểu về con người vùng biển trong bề dày lịch sử dân tộc với nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn.
Phan Hằng
Ý kiến ()