Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:03 (GMT +7)
Định hướng đối ngoại mới: Địa phương và doanh nghiệp ở trung tâm
Thứ 2, 13/12/2021 | 15:06:23 [GMT +7] A A
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2030 đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 31, sáng 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề: "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế các địa phương” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 300 điểm cầu trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành trên cả nước.
Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc 20 được tổ chức nhằm triển khai các định hướng mới cho công tác đối ngoại, trong đó địa phương và doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều chuyển biến phức tạp và sâu sắc, trong đó đại dịch COVID-19 kéo dài dần hai năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách trong phòng, chống dịch, duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19, trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho cả nước và địa phương chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các đối tác láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn.
Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn và các vấn đề quốc tế quan trọng; chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ; một số mặt đã có bước phát triển mới, trong thành tựu chung của đối ngoại có đóng góp của đối ngoại địa phương.
Nắm chắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, vượt qua khó khăn và tác động của COVID-19, công tác đối ngoại địa phương đã được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Với sự chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tích cực bảo hộ công dân, đặc biệt tiếp nhận an toàn công dân từ nước ngoài về nước do tác động của dịch COVID-19.
Ngoại giao văn hóa ở các địa phương ngày càng được chú trọng, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh các địa phương với bạn bè quốc tế, số lượng hồ sơ di sản địa phương trình lên và được UNESCO công nhận ngày càng tăng…
“Những kết quả quan trọng này có được là nhờ sự đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, sự quyết tâm nỗ lực của các cơ quan ngoại vụ địa phương; sự phối hợp hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Bộ Ngoại giao luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong triển khai công tác đối ngoại địa phương, bảo đảm thực hiện đúng đắn chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương,” Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gợi mở một số vấn đề thảo luận tại Hội nghị như làm rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là vị trí tiên phong của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, xác định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại địa phương, quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương thu hút đầu tư công nghệ, tri thức, du lịch, các nguồn lực khác phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2030 đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Để góp phần đưa chủ trương đúng đắn này của Đảng vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó có ngành ngoại giao là nòng cốt và các địa phương với tư cách là trung tâm phục vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, ngành ngoại giao thông qua các hoạt động đối ngoại và phát huy tối đa lợi thế mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, bám sát nhu cầu và thực tiễn phát triển của các địa phương để tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các địa phương.
Đồng thời, trong việc triển khai đối ngoại địa phương cần nắm bắt tốt các xu thế vận động, các diễn biến mới của tình hình quốc tế và trong nước; vận dụng sáng tạo, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Đảng và điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Trên cơ sở đó, cần có kế hoạch, đề án cụ thể với từng lĩnh vực đối ngoại, trong quan hệ với từng đối tác, nhất là các đối tác quan trọng, các đối tác tiềm năng đối với phát triển của địa phương mình.
Bên cạnh các lĩnh vực công tác truyền thống, cần mạnh dạn mở ra những lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới có hiệu quả hơn, mang lại kết quả thiết thực hơn cho địa phương.
Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: "Mọi việc thành công bởi chữ 'đồng'," Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương. Trong đó, điểm 'đồng' ở đây là cùng hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương, từ đó đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Một điều quan trọng nữa, theo Bộ trưởng, là việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương.
Tại Hội nghị, đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương kể từ Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 và định hướng công tác trong thời gian tới.
Một số đại biểu cũng chia sẻ nhiều nội dung về công tác ngoại vụ phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp vượt qua thử thách từ đại dịch COVID-19, hướng tới sự phục hồi toàn diện.
Bên lề Hội nghị, Triển lãm trưng bày các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp địa phương./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()