Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 00:15 (GMT +7)
Đình Triều Khê - nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử
Chủ nhật, 03/03/2024 | 09:04:14 [GMT +7] A A
Không chỉ là niềm vui hân hoan, náo nức trước ngày diễn ra lễ hội truyền thống đình - chùa Triều Khê vào ngày 11, 12 tháng Giêng hằng năm, năm nay người dân khu Triều Khê nói riêng và phường Hồng Phong (TX Đông Triều) nói chung còn thêm phấn khởi, tự hào khi công trình tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Triều Khê được khánh thành đúng dịp lễ hội vừa qua. Không khí vui tươi, rộn ràng của dân làng, bao thế hệ con cháu gần xa, du khách thập phương về dự hội cứ thế được nhân đôi, nối dài, bởi có lẽ trong tâm thức mỗi người con của quê hương chẳng có gì quý giá hơn khi những giá trị truyền thống, cội nguồn văn hóa, lịch sử được gìn giữ, bảo tồn và phát huy bền vững.
Vào thời Trần, Triều Khê thuộc đất thang mộc của An Sinh Vương Trần Liễu, là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cho đến thế kỷ XVIII, nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang sơ ở vùng ven sông Kinh Thầy và sông Đạm Thuỷ, dân cư sống thưa thớt. Năm 1790, có 6 gia đình quê ở Kim Thành, phủ Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã tìm đến vùng đất này để sinh sống. Lúc đầu, họ ở khu vực thôn Đoàn Xá ngày nay, sau đó di chuyển đến bãi bồi ở vùng trũng ven sông Kinh Thầy (phía Tây Đoàn Xá) khai hoang, mở đất thành ruộng đồng cày cấy, sinh sống. Cuộc sống dần ổn định, cư dân phát triển đông đúc. Năm 1887, dân làng xin tách thành xã riêng, để tự lo làm ăn sinh sống. Xã Triều Khê được hình thành từ đó (bia đá khắc năm Thành Thái thứ 4 - 1892 nói về sự kiện này)
Sau khi làng Triều Khê được thành lập, dân làng đã cùng nhau xây dựng một ngôi đình, hai ngôi nghè và xây chùa để dân làng có chỗ sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Căn cứ theo thần tích, sắc phong và bài văn cúng tế thì đình Triều Khê thờ hai vị Thành hoàng làng là An Sinh Vương Trần Liễu, vua Trần Anh Tông và hai vị cận thần của vua là Đặng Tảo và Lê Chung, được phong thần là Phổ Hộ cư sĩ đại vương và Phổ Tế cư sĩ đại vương.
Hằng năm vào ngày 11, 12 tháng Giêng, người dân làng Triều Khê tổ chức lễ hội truyền thống đình - chùa Triều Khê để kính trình với hai vị Thành hoàng làng về thành quả dân làng gặt hái được trong năm và tôn vinh công trạng to lớn của nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên, giữ yên bờ cõi vào thế kỷ XIII. Đồng thời, gửi gắm những nguyện cầu của nhân dân mong sức khỏe dồi dào, bình an, hạnh phúc, thành đạt để tiếp tục góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Đình Triều Khê lúc đầu được dựng cột bằng gỗ lim, lợp mái rạ, cách đình hiện nay khoảng 200m về hướng Đông Nam. Năm 1901, đình được chuyển về vị trí hiện nay. Trên thượng lương vẫn còn dòng chữ Hán Nôm ghi năm xây dựng đình vào ngày 22/11, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901).
Cụm Di tích lịch sử - văn hóa đình - chùa Triều Khê được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2006. Trải qua 122 năm tồn tại, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Để gìn giữ truyền thống văn hóa, sự tôn kính nơi thờ cúng Thành hoàng làng, phát huy giá trị di tích gắn với quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, ngày 7/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Triều Khê (hạng mục đại đình). Tháng 6/2023, lễ khởi công tôn tạo di tích được thực hiện và sau 6 tháng thi công, công trình đã hoàn thiện giai đoạn 1 với tổng kinh phí trên 6,2 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Sau khi được tôn tạo, đình Triều Khê gồm tòa đại bái và hậu cung với kết cấu bằng gỗ lim có bộ vì trước kiểu thượng cốn mê hạ bẩy, bộ vì sau kiểu thượng con chồng giá chiêng hạ bẩy. Hoa văn trên cấu kiện gỗ hậu cung được chạm khắc theo đại bái. Ngoài ra, công trình tôn tạo đình còn gồm các hạng mục khác, như tôn tạo sân đình với diện tích gần 240m2, hệ thống bệ thờ, nội thất đồ thờ theo kiến trúc cổ…
Ông Nguyễn Đức Lộ, khu Triều Khê, phường Hồng Phong, phấn khởi chia sẻ: Lễ hội đình - chùa Triều Khê có từ rất lâu đời, là niềm tự hào của nhân dân Triều Khê, Hồng Phong. Đến nay, sau bao năm mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân về một ngôi đình được trùng tu, tôn tạo để tiếp tục lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, của dân tộc, tạo cho di tích có vị trí xứng đáng với tầm vóc vốn có, đã được hoàn thành. Ngôi đình được tôn tạo không chỉ từ các nguồn kinh phí xã hội hóa mà còn là sự đóng góp ngày công, hiến đất của bà con nhân dân, bởi vậy càng nhắc nhở mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đẹp đẽ, quý báu của quê hương...
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()