Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:49 (GMT +7)
Dở khóc dở cười chuyện diễn viên Việt 'chết vai'
Thứ 2, 03/04/2023 | 09:05:01 [GMT +7] A A
Ngoại hình phù hợp, diễn xuất tốt… là lợi thế nhưng cũng có khi trở thành bất lợi, khiến các diễn viên luôn “được” đạo diễn mặc định một dạng vai mà ít được trao cơ hội diễn xuất đa dạng.
“Nỗi khổ” của người này là niềm mơ ước của người kia
Tham gia phim Những cô gái trong thành phố, Thương ngày nắng về, nữ diễn viên Kim Oanh ghi dấu ấn với những vai diễn vất vả, gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Trở lại màn ảnh với bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc, cô tiếp tục vào vai một người con dâu, người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình. “Tôi cũng mong vai diễn ngầu ngầu, ác ác hơn nhưng lần này vẫn là vai hiền lành, khổ khổ. Không chỉ khán giả mà bố mẹ của tôi xem phim cũng hỏi sao con toàn đóng vai khổ thế. Tôi đem câu hỏi này đi gặp đạo diễn thì anh nói: Cô chỉ hợp đóng vai khổ thôi. Mặt cô thắm lắm, không cần diễn cũng thấy khổ rồi em ạ”, nữ diễn viên cười kể lại.
Câu nói nửa đùa nửa thật của vị đạo diễn sau ống kính nhưng cũng là câu chuyện bi hài của nhiều diễn viên đang gặp phải.
NSƯT Phú Đôn được khán giả đặt cho biệt danh “người đàn ông có gương mặt đau khổ” của màn ảnh Việt. Sinh ra gốc Hà Nội, nhưng sau 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, anh lại gây ấn tượng với khán giả qua hàng loạt vai mà phần lớn là vai đàn ông nông thôn lam lũ, hiền lành, như phim Ông Tơ hai phẩy, Bão qua làng, Bỏ vợ, Xuân Cồ - người hòa giải... Nghệ sĩ “cười mếu”: “Cứ hễ có những vai nông thôn, vất vả là các đạo diễn lại bảo: Đôn đây chứ đâu!”
Trong 40 năm làm nghệ thuật của mình, NSƯT Khương Đức Thuận không thể nhớ hết số lần được hóa thân vào những vai chiến sĩ công an. Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào nghiệp diễn, anh đã được giao vai Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra trong Vượt qua thử thách, sau này là các vai công an trong Người cùng năm sinh, Miền đất hứa... Thuộc quân số Nhà hát kịch Công an Nhân dân, NSƯT Khương Đức Thuận càng được các đạo diễn “khoái” giao cho vai công an vì đúng chuẩn “công an đi đóng phim, chỉ đứng yên cũng ra chất”.
Cũng mang quân hàm Đại tá và đang làm quản lý của Nhà hát Kịch Quân đội nhưng hễ nhắc đến những diễn viên chuyên đóng vai đểu giả trên màn ảnh thì không thể không nhắc đến NSƯT Minh Tuấn. Khuôn mặt “gian gian” với cặp mắt nhỏ, láo liên, chỉ mỉm cười thôi cũng khiến nhân vật anh thủ vai toát lên thần thái “không chơi được”. Suốt 20 năm theo nghiệp diễn, anh đếm không xuể những vai phản diện của mình. “Không vai đểu thì cũng là vai cực đểu. Nên lâu rồi mình không nhận phim là vì thế. Vì đang chờ một vai lành lành, hiền hiền, không tốt hẳn thì hơi tốt cũng được, để thành người tử tế dù chỉ một phút trên màn ảnh”, NSƯT Minh Tuấn hóm hỉnh thổ lộ.
Có ngoại hình điển trai, thư sinh, nam diễn viên Thanh Sơn chuyên trị các vai “soái ca” ngôn tình trong các bộ phim truyền hình trên sóng giờ vàng. Hơn 10 năm tham gia diễn xuất, khán giả luôn nhớ một Thanh Sơn với kiểu nhân vật đàn ông cương trực, bản lĩnh và tử tế. Tuy nhiên, ít ai biết khao khát lớn nhất của anh là được đóng vai hài hoặc phản diện. “Tôi thích diễn hài nên mới quyết định chọn nghề diễn. Về Nhà hát Tuổi trẻ tôi cũng xin vào đoàn hài kịch nhưng đến giờ vẫn chưa có ai cho tôi cơ hội diễn hài. Nếu không thì cho tôi một vai thật phản diện, khác những vai tôi từng đóng”, nam diễn viên bộc bạch.
Thường xuyên được giao các vai công tử, con nhà giàu, Hứa Vĩ Văn cũng từng “cười ra nước mắt” thốt lên: “Giao vai khùng cũng được, bị bệnh não, ăn xin cũng không sao. Miễn đừng là kiểu nhân vật công tử đẹp trai nữa”. Diễn viên Thanh Thúy từng cảm thấy chán chính mình khi toàn được mời những dạng vai hiền hiền, đẹp đẹp. Bởi thế, khi được các đạo diễn ngỏ lời dạng vai này, cô thường nghĩ cách từ chối khéo.
Cái tâm của đạo diễn và bản lĩnh của diễn viên
Một đạo diễn phim truyền hình cho biết hiện nay, diễn viên có thực lực đang rất thiếu. Vì vậy, để bảo đảm sức hút với khán giả, các đạo diễn buộc phải liên tục mời những gương mặt quen thuộc. Do đó, chính các diễn viên cũng đang bị lặp lại dạng vai diễn sở trường của mình.
Có thể kể đến như Huỳnh Anh, Trọng Lân với dạng vai con nhà giàu, trác táng, Đình Tú vai chàng trai khờ khạo, ham chơi, Mạnh Trường, Thanh Sơn luôn vào vai soái ca, tử tế, Lương Thu Trang bị dính dạng vai độc lập, mạnh mẽ nhưng cứng nhắc, khó gần…
Vị đạo diễn này còn chỉ ra một nguyên nhân nữa, do nhu cầu xem phim truyền hình ngày càng tăng cao, nên nhà sản xuất phải chạy đua với thời gian để làm phim. Công nghệ làm phim theo hình thức “cuốn chiếu” cũng đòi hỏi các diễn viên có kinh nghiệm. “Làm phim bây giờ không còn được túc tắc, thong thả như xưa, để có thể vừa quay vừa hướng dẫn, kèm cặp diễn viên. Diễn viên mới chưa có kinh nghiệm sẽ khiến đoàn làm phim mất nhiều thời gian, thậm chí phải quay đi quay lại một cảnh khiến phim không kịp ra mắt khán giả”, vị này cho biết thêm.
Nhiều đạo diễn vẫn có thói quen mời diễn viên vì quý mến, vì tình thân, vì chỗ quen biết, vì tiền, vì tình, vì lười tìm gương mặt mới... Trong khi đó, vì cơm áo gạo tiền, vì khao khát được diễn xuất, nhiều diễn viên chấp nhận gật đầu với mọi lời mời của đạo diễn. Một số khác lại ngại thay đổi khi cảm thấy bản thân mình đang làm tốt dạng vai quen thuộc, dù biết có thể gây nhàm chán.
Để giải bài toán “chết vai”, không chỉ phụ thuộc vào các đạo diễn có tâm, mạnh dạn trao cơ hội cho diễn viên được thể hiện những vai “trái chất” mà còn đòi hỏi diễn viên phải dũng cảm vượt qua “vùng an toàn” để làm mới mình. Thực tế, có không ít nghệ sĩ đã làm và thành công.
NSND Trung Anh tưởng sẽ “chết vai” với hình ảnh khắc khổ trên màn ảnh nhưng đã gây bất ngờ và thích thú cho khán giả khi thể hiện rất “ngọt” vai giang hồ cộm cán Lương Bổng trong Người phán xử. Vốn luôn được mời thủ vai tử tế, đạo mạo nhưng vài năm gần đây, NSƯT Hoàng Hải mạnh dạn nhận các vai phản diện với sự tàn độc, máu lạnh như Đồng Vĩnh trong Mê cung, Tuấn mỏ trong Hồ sơ cá sấu hay bác sĩ Nghị trong Mặt nạ gương.
NSND Lan Hương vốn quen với hình ảnh hiền lành, chân chất, nhẹ nhàng trên màn ảnh nhưng vẫn “không ngán” những vai mẹ chồng tai quái, ích kỷ trong Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về. NSND Thu Hà đã thoát khỏi cái mác “lá ngọc cành vàng”, ngọt ngào, mỏng manh luôn gắn với các vai diễn của mình để “lột xác” thành công thành một Bạch Cúc đầy sắc sảo, đầy quyết liệt trong bộ phim Hướng dương ngược nắng.
Ở dàn diễn viên trẻ có Doãn Quốc Đam luôn nỗ lực biến hóa khả năng diễn xuất của mình, phim này vừa là tội phạm vào tù ra tội, phim sau đã thành thanh niên lương thiện, đáng tin cậy. Hay một Lan Phương vừa diễn tốt các vai bi lụy, khổ sở nhưng cũng không ngại thử sức những vai điên loạn, phản diện trên màn ảnh.
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()