Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 21:53 (GMT +7)
Dở như phim kinh dị Việt
Thứ 6, 09/09/2022 | 11:35:10 [GMT +7] A A
Thay vì làm mới dòng phim kinh dị Việt, đội ngũ biên kịch "Vô diện sát nhân" lại tạo sự ức chế với phần kịch bản ngô nghê, nhiều sạn, chưa thể thoát khỏi lối mòn.
Lễ 2/9 năm nay khán giả chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai phim kinh dị Việt. Cả hai đều có điểm mới lạ để hút khách.
Vô diện sát nhân- Đinh Công Hiếu đạo diễn - được giới thiệu là dự án tiên phong khai thác dòng slasher (kinh dị chém giết). Cù lao xác sống - Nguyễn Thành Nam đạo diễn - lại ghi dấu ấn là phim Việt chiếu rạp đầu tiên chọn thể loại xác sống (zombie). Vì có nhiều chi tiết máu me, rùng rợn nên cả hai được dán nhãn C18 (hạn chế người xem dưới 18 tuổi), hứa hẹn nhiều phân cảnh khiến khán giả thót tim vì sợ hãi.
Đáng tiếc, chất lượng của các tác phẩm chỉ ở mức trung bình. Từ đạo diễn đến ê-kíp phần lớn là người có kinh nghiệm nhưng lại cho kết quả gây thất vọng. Thay vì làm mới dòng phim kinh dị Việt, đội ngũ biên kịch lại tạo sự ức chế với phần kịch bản ngô nghê, nhiều sạn, chưa thể thoát khỏi lối mòn.
Nội dung lan man, tham lam tình tiết
Trong Vô diện sát nhân, bác sĩ Phương Anh (Phương Anh Đào) thường xuyên nằm mơ thấy một gã giết người, luôn tìm cách cướp mạng cô. Giấc mơ sống động đến mức nhân vật không phân biệt thật ảo. Khi tỉnh giấc, cô bắt đầu nghi ngờ mọi người xung quanh, cho rằng sát nhân trong mơ có thật ở ngoài đời.
Để khắc họa cảm giác mơ hồ của Phương Anh đồng thời đánh lừa khán giả, biên kịch thêm thắt một số nhân vật thuộc dạng khả nghi. Đó là người chồng đẹp trai và giàu có Thiên Minh (Hiếu Nguyễn), người bạn thân hài hước Thái (Quách Ngọc Tuyên), hay đồng nghiệp thích đùa Khoa (Steven Nguyễn).
Thế nhưng, lượng nhân vật phụ không chỉ dừng lại ở con số 3. Xuyên suốt phim, nhiều gương mặt khác cũng xuất hiện như y tá Vy (Oanh Kiều), bác sĩ Quang Dũng (Ngọc Thuận), giám đốc bệnh viện (Hoàng Phúc), hay ông Trọng (Châu Thế Tâm) – cha một bệnh nhân.
Thế là từ kẻ giết người trong mơ, chuyện phim trở thành “Phương Anh và những người bạn”. Vấn đề là tất cả chỉ xuất hiện thoáng qua một cách mờ nhạt, không có nhân vật nào được đào sâu phát triển. Ngay cả tính cách và số phận nữ chính cũng được xây dựng qua loa, khiến phim như một tác phẩm truyền hình được rút gọn để chiếu rạp.
Đến phút chót, biên kịch tham lam sử dụng cú twist để giải quyết vấn đề. Nhưng họ quên mất rằng, các tình tiết cần được móc nối hợp lý và chắc chắn chứ không thể sử dụng một cách vô tội vạ. Cuối cùng, phim không thoát khỏi tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, để rồi kết thúc đơn giản đến mức ngỡ ngàng.
Trong khi đó, Cù lao xác sống bắt đầu khi đại dịch xác sống tràn đến một vùng cù lao thuộc miền Tây Nam Bộ. Chuyện phim xoay quanh hành trình của Công (Huỳnh Đông), một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng. Mong muốn trốn khỏi bầy thây ma, anh đưa cha là ông Tám (Tấn Thi) và con gái Na (Mona Bảo Tiên) đến bến phà theo lời khuyên của chính quyền.
Kể lại số phận gia đình Công, biên kịch liên tục cài cắm nhiều tình tiết, lồng ghép nhiều nhân vật. Có người chỉ xuất hiện thoáng qua rồi bỗng nhiên biến mất như Diễm (Ốc Thanh Vân) – một phụ nữ bí ẩn vừa mất con. Có người cũng quan trọng, tác động mạnh đến câu chuyện chuyện như gã côn đồ Sùng (Hoàng Mèo). Song, động cơ và mục đích của nhân vật không rõ ràng, thay vì tạo kịch tính thì chỉ gây khó hiểu cho người xem.
Càng về cuối phim, biên kịch lạm dụng các đoạn hồi tưởng (flashback) để giải thích quá khứ của nhân vật. Ngay cả một vai phụ như cô bán cà phê Trinh (Lê Lộc) cũng có cuộc đời đáng thương, cần được thông cảm.
Trong khi đó, tính cách và tâm lý nhân vật chính Công khá mơ hồ. Khó ai có thể cảm được lý do thầy thuốc nổi tiếng lại trở thành một người ích kỷ, rồi bỗng chốc thay đổi chỉ vì nghe lời khuyên của cha.
Kịch bản nhiều sạn, lạm dụng hài lố
Dù có thời lượng không dài (87 phút), kịch bản Vô diện sát nhân lại rối rắm và nhiều sạn. Diễn biến tâm lý của bác sĩ Phương Anh trở nên thái quá trong nhiều phân đoạn.
Đơn cử, cô đang đứng giữa rạp phim cùng chồng thì bỗng nghi ngờ, quát tháo anh giữa chốn đông người. Một cảnh khác, độ đa nghi của nữ bác sĩ tăng cao khi cô lần theo nhân viên trong nhà hàng, cuối cùng lao vào tấn công anh chẳng khác kẻ điên lên cơn.
Độ logic của Cù lao xác sống cũng không khá hơn. Bộ phim khiến người xem ngẩn ngơ vì sự ngớ ngẩn của lũ zombie lẫn các nhân vật.
Thay vì sợ hãi, người dân vùng cù lao tỏ ra quen thuộc với xác sống vì đã trông thấy chúng trên phim ảnh, báo chí. Có người bật radio cho chúng nghe, có người lại xem chúng như trò đùa, thấy đang ngủ nên gọi dậy để chọc chơi cho vui.
Sau khi đuổi bầy xác sống, các nhân vật quây quần trong ô tô để mở tiệc ăn mừng, vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đỉnh điểm là khi người dân nghĩ ra cách đối phó zombie. Họ đánh lừa xác sống bằng cách hôn nhau để ngừng thở, hoặc hát cải lương để tạo sự chú ý, từ đó thu hút zombie về phía mình.
Một vấn đề muôn thuở của phim kinh dị Việt nói riêng và phim nội địa nói chung, đó là lạm dụng tình tiết hài hước. Khi biên kịch chưa đủ chắc tay để tạo tình huống gây sợ, họ quyết định cù lét thay vì nắn gân khán giả.
Thuộc dòng kinh dị, giật gân nhưng Vô diện sát nhân có nhiều đoạn hoàn toàn đi chệch thể loại. Mỗi lần xuất hiện, hai nhân vật của Quách Ngọc Tuyên và Steven Nguyễn lại tạo cảm giác ngán ngẩm vì những câu thoại kém duyên, hành động kỳ cục.
Thi thoảng, các yếu tố hài nếu được sử dụng hợp lý sẽ mang lại không khí nhẹ nhàng cho phim kinh dị. Nhưng khi vào tay các biên kịch có chuyên môn kém, nó trở thành công cụ tra tấn khán giả.
Trường hợp này đúng với Cù lao xác sống khi kịch bản cho thấy tư duy cũ kỹ của người viết. Các mảng miếng sử dụng không mới, thường gặp trong các tiểu phẩm hài trên sân khấu. Đặc biệt, trong phim có hai nhân vật được xây dựng theo hướng LGBT+ và người khuyết tật. Họ có nhiều lời thoại, hành xử lố lăng từ đó gây cười. Cách làm gợi nhớ loạt phim điện ảnh Việt thập niên 2000.
Vô diện sát nhân không rơi vào "vũng lầy" hài lố như Cù lao xác sống, nhưng kịch bản lại lạm dụng jump scare. Các phân cảnh hù dọa diễn ra thường xuyên với mô-típ giống nhau. Biên kịch luôn tạo không khí nguy hiểm sau đó lý giải rất đơn giản: Tất cả chỉ là giấc mơ.
Thủ pháp tạo được sự bất ngờ ở vài phân cảnh đầu nhưng càng trở nên nhàm chán, không tạo được sự hứng thú cho người xem.
Khởi chiếu ngày 26/8, Vô diện sát nhân được quảng bá rầm rộ nhưng chỉ thu về hơn 4 tỷ đồng sau gần 2 tuần – theo số liệu của Box Office Vietnam. Trái lại, Cù lao xác sống dù bị chê bai thậm tệ vẫn hốt hơn 11 tỷ đồng trong vòng chưa đầy 1 tuần. Điều đó chứng tỏ zombie vẫn là đề tài hút khách, là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim.
Nhìn chung, cả hai dự án có điểm mạnh yếu nhưng đều rơi vào tình trạng chung: Kịch bản quá tệ. Cù lao xác sống kém hơn khi chưa giải quyết trọn vẹn những sự kiện sắp đặt từ đầu. Phim khép lại với cái kết mở, gây ức chế cho người xem. Rốt cục, zombie cũng không giúp phim hay hơn, càng trở thành chủ đề bị chê bai thậm tệ.
Cuối năm nay sẽ có thêm một vài dự án kinh dị Việt ra mắt nhưng chất lượng vẫn là dấu chấm hỏi. Chỉ khi nào giải quyết được vấn đề kịch bản, thì phim kinh dị Việt mới có thể vực dậy.
Đến lúc đó, khán giả muốn đặt niềm tin hay hy vọng cũng không muộn.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()