Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 05/10/2024 20:40 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại huyện Vân Đồn và Cô Tô
Thứ 6, 13/09/2024 | 20:04:11 [GMT +7] A A
Ngày 13/9, đoàn công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, làm Trưởng đoàn, đã khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường tại huyện Vân Đồn và Cô Tô. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cả hai địa phương đều bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là ở huyện Vân Đồn, chỉ tính riêng thiệt hại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thông qua việc triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả sau bão trên địa bàn, các địa phương kiến nghị, đề xuất điều chỉnh một số quy định của pháp luật trong việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nhất là đối với các địa phương tuyến đảo đặc thù như Vân Đồn, Cô Tô.
Trong công tác khắc phục hậu quả sau bão, các địa phương đề xuất có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng do bão. Cắt giảm quy trình thủ tục trong việc giao biển để tạo thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình trong quá trình triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu cơ chế bố trí kinh phí bảo vệ môi trường cho các huyện đảo để xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải trong điều kiện bình thường cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển sau bão.
Qua khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh, từ thực tế công tác chỉ đạo, triển khai phòng, chống bão từ tỉnh đến các địa phương cho thấy nhiều vấn đề về chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường cần phải kiến nghị điều chỉnh. Trong đó, đặc biệt là việc thiết lập cơ chế chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc giữa các cấp, ngành trong bão và sau bão.
Mặt khác, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo đủ năng lực cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên cơ sở khảo sát thực tế và những nội dung kiến nghị của các địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật PCCC và CNCH sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây.
Đối với công tác khắc phục hậu quả sau bão, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các hộ gia đình, tổ chức trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Việc khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất sau bão là hết sức khó khăn. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có quy định, cơ chế hỗ trợ trong việc mua bảo hiểm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi khi có thiên tai, bão lũ.
Về vấn đề giao khu vực biển để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, đồng chí nhấn mạnh, những nội dung kiến nghị phải căn cứ vào đặc thù của địa phương. Trong đó, đảm bảo mục tiêu sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả nhất; hài hòa lợi ích của quốc gia, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo cho quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch nuôi biển và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Cũng trong chuyến công tác, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đoàn công tác đã đến thăm, động viên một số gia đình bị thiệt hại và các lực lượng chức năng đang thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau bão. Đồng chí động viên các gia đình khắc phục khó khăn trong thời điểm hiện tại. Đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão; thống kê thiệt hại để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()