Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:03 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến về Dự án Luật Quản lý thuế và Dự án Luật Thủ đô
Thứ 6, 02/11/2012 | 09:45:49 [GMT +7] A A
Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Quản lý thuế, ĐB Trần Xuân Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia một số nội dung. Theo ĐB Trần Xuân Hòa thì về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế, đề nghị bổ sung thêm vào Điểm c Mục 8 Điều 1 “Trường hợp các công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty có nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 180”. Bởi theo ĐB Trần Xuân Hòa thì hiện nay việc nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện nộp qua mạng Internet và thời hạn cuối cùng phải nộp là 90 ngày sau ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty có nhiều đơn vị hoạch toán phụ thuộc nên để đảm bảo thời gian nộp báo cáo quyết toán và nộp tờ khai quyết toán thuế. Các doanh nghiệp này phải lập báo cáo làm 2 lần: Lần 1 là báo cáo quyết toán chưa được kiểm toán và lần 2 là báo cáo quyết toán đã được kiểm toán độc lập kiểm toán. Và thông thường báo cáo quyết toán đã được kiểm toán kết quả kinh doanh sẽ thay đổi khác với lần 1. Do vậy, tập đoàn, tổng công ty phải kê khai tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh nhưng hiện tại chưa có quy định nào đối với trường hợp này. Nhất là hiện các văn bản dưới luật hiện hành đang quy định những trường hợp người nộp thuế, khai thuế bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được hoàn thì ngoài việc nộp bổ sung số thuế nộp thiếu và số thuế hoàn thừa, người nộp thuế phải tự xác định số tiền phạt chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp hoặc số tiền thuế đã được hoàn. Số ngày chậm nộp và mức xử phạt theo quy định tại Điều 106 Luật quản lý thuế tại Mục c, Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 28/2011 của Bộ Tài chính ngày 18.02.2007. Quy định là chưa phù hợp với trường hợp nộp lại tờ khai quyết toán thuế sau khi báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, vì trên thực tế, doanh nghiệp không vi phạm nên không thể xử phạt, việc có thay đổi thông tin trong tờ khai quyết toán thuế là do thực tế phù hợp với báo cáo tài chính sau khi đã được kiểm toán.
Đại biểu Trần Xuân Hòa tham gia thảo luận tại hội trường. |
Về vấn đề gia hạn nộp thuế, ĐB Trần Xuân Hà cho rằng, để đảm bảo trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tiếp nhận và hồ sơ khai gia hạn thời gian nộp thuế, đề nghị bổ sung thêm Mục 9, Điều 1 như sau: Trường hợp hết thời hạn 3 ngày mà cơ quan thuế chưa trả lời thì được hiểu cơ quan thuế đã nhận gia hạn theo hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế của đơn vị; bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của nhà nước và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán theo chế độ từ ngân sách nhà nước.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế Điều 60, ĐB Trần Xuân Hòa kiến nghị, tại Mục b, Khoản 2a, Điều 60 quy định thời hạn kiểm tra sau, hoàn thuế trước đối với một số trường hợp trong thời hạn là 10 năm là quá dài dễ dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng thuế phát sinh tiêu cực, trong thời gian này có thể có nhiều biến động đối với mỗi doanh nghiệp. Ví dụ chuyển đổi, giải thể, phá sản v.v... Đề nghị cân nhắc một khoảng thời gian hợp lý hơn, ví dụ 3 năm. Và cuối cùng, ĐB Trần Xuân Hòa đề nghị Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế nên bổ sung thêm điều khoản để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời chế tài xử lý phải mang tính răn đe để người nộp thuế không giám vi phạm pháp luật về quản lý thuế. Tại Tiết d, Khoản 1, Điều 85 Luật Quản lý thuế quy định một trong những nhiệm vụ của trưởng đoàn thanh tra thuế là lập biên bản thanh tra thuế, song luật không quy định việc lập biên bản phải thực hiện trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra tại doanh nghiệp. Đây là một kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực. Ngoài ra để đảm bảo trách nhiệm của cơ quan thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế trong việc ra biên bản thanh tra thuế xin đề nghị bổ sung khoảng thời gian tối đa cho công việc này.
Ngày 27-10, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật Thủ Đô và việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Các ĐB: Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tập trung một số nội dung sau:
Về Dự án Luật Thủ Đô: Các ĐB cơ bản nhất trí với dự thảo và tham gia đối với ban soạn thảo cần quán triệt, thể hiện trong các điều của Luật: Thủ đô là bộ mặt của đất nước, đặc biệt khi người nước ngoài đến Việt Nam thì hình ảnh của Thủ đô là hình ảnh chung của đất nước. Vì vậy cần phải quy định cho Thủ đô những quyền lợi lớn hơn, đồng thời phải có những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn, để cho lâu dài không chỉ người Thủ đô được hưởng những quyền lợi đó, mà các chế tài đó sẽ giúp cho Thủ đô thực sự là Trung tâm về Kinh tế - Chính trị, là niềm tin của cả nước. Sau khi, các chế tài được áp dụng có hiệu qủa tốt ở Thủ đô sẽ tổng kết, nhân rộng áp dụng ở các địa phương khác.Về Quy mô và phạm vi nhập cư, các ĐB đều đồng tình với việc phải có các điều kiện nhập cư về Thủ đô với những lý do sau: Thủ đô đã được QH khóa XII thống nhất tăng cả về Quy mô và phạm vi. Vì vậy, dân số của Thủ đô về cơ học cũng đã tăng lên. Với tính chất đặc thù, Thủ đô thu hút các nguồn lực tinh túy nhất của đất nước, nhưng nó cũng thu hút cả những lao động không có việc làm và nhiều thành phần xã hội khác. Vì vậy, việc đưa ra các điều kiện về nhập cư là thỏa đáng. Ở một số Quốc gia khác cũng có quy định riêng cho Thủ đô. Vì vậy nếu không có các điều kiện ấy, dân số Thủ đô tới đây có thể lên tới 9 triệu và nhiều hơn nữa.
Về việc phải có chế tài liên quan đến xử phạt, các ĐB cho rằng cần chặt chẽ, nghiêm khắc mang tính răn đe hơn để người dân khi về Thủ đô phải thấy mình có trách nhiệm cao hơn với Thủ đô, có thái độ ứng xử, cư xử với Thủ đô nghiêm túc hơn. Các chế tài thu phí cũng cần cao hơn, phần thu được là để đầu tư lại nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Thủ đô. Về mức phạt cao hơn trong nội đô, nên giao cho HĐND Thành phố quy định cụ thể đối với các đối tượng cụ thể, có thể cao hơn gấp đôi. Vì hiện nay, việc thu từ phạt này được nộp về cho ngân sách Nhà nước 30%, nhưng với riêng Hà nội thì toàn bộ mức phí đó nên không thu về ngân sách Nhà nước nữa mà để đầu tư lại cho địa phương để xây dựng thêm các bãi đỗ xe, đảm bảo văn minh đô thị (Hiện nay Hà nội rất thiếu các bãi đỗ xe).
Về cơ chế tài chính, Hà nội là Thủ đô của cả nước, là sân sau của Chính phủ. Vì vậy cần có cơ chế ưu tiên tài chính, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho Thủ đô và đặt trọng tâm vào việc đầu tư phát triển những thế mạnh của Thủ đô; khi chuẩn bị ban hành các cơ chế chính sách mới, cần thí điểm trên địa bàn Hà nội trước khi nhân rộng ra cả nước. Nếu đầu tư để phát triển mạnh Thủ đô sẽ tạo thành đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng lân cận. Mặt khác, không phải tập trung đầu tư cho Thủ đô là chúng ta không đầu tư cho các Tỉnh, Thành phố khác. Tỉnh, Thành phố nào có thế mạnh phát triển ở lĩnh vực nào thì phát triển làm đầu tầu kéo các khu vực khác cùng phát triển. Ở Quảng Ninh, hiện nay cũng đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội nhanh bền vững trên cơ sở bảo đảm quốc phòng an ninh và mong muốn xây dựng một số khu kinh tế -hành chính đặc biệt.
Về việc việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, các vị đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo và đề nghị nên có sự tổng kết, đánh giá hiệu quả của chế định này, đồng thời nghiên cứu, xem xét có thể xã hội hóa về hoạt động này.
Ngô Sỹ Khảo - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()