Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:52 (GMT +7)
“Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh sẽ tham gia đóng góp những vấn đề thiết thực nhất tại kỳ họp”
Thứ 2, 29/10/2012 | 10:33:56 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII (được tổ chức từ ngày 22-10 đến 23-11-2012) sẽ bàn và thông qua nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến chiến lược phát triển KT-XH của đất nước trong thời gian tới. Bên lề cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trả lời PV Báo Quảng Ninh về những nội dung chính mà Đoàn đã chuẩn bị, sẽ tham gia tại kỳ họp này.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tin tuyên truyền của tỉnh bên lề kỳ họp. |
- Tham gia kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị những nội dung trọng tâm gì, thưa đồng chí?
+ Để tham gia tốt kỳ họp thứ tư này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động. Một trong những hoạt động trọng tâm là phối hợp với các cơ quan liên quan và 14 địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại 28 điểm, với trên 2.400 cử tri tham dự và 198 ý kiến phát biểu. Ngoài ra, Đoàn tiếp tục thực hiện việc đổi mới tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề: Về công tác đối ngoại, biên giới; với cử tri là các chủ doanh nghiệp; với cử tri là nông dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Những ý kiến của cử tri được tổng hợp thành 6 cụm vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, 10 cụm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Nội dung kiến nghị khá nhiều, có thể vắn tắt một số nội dung chính như sau: Về kiến nghị với Quốc hội, đông đảo cử tri trong tỉnh đều đề nghị quan tâm đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ lãnh thổ và biên giới quốc gia, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tăng cường đầu tư bảo đảm tốt hơn nhu cầu của các đơn vị LLVT về vũ khí, khí tài và đời sống của CBCS, nhất là cần ưu tiên cho các vùng trọng điểm như biên giới, hải đảo; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Thuỷ sản năm 2003 cho phù hợp với tình hình, yêu cầu mới… Cùng với đó, cử tri trong tỉnh cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng, thẩm định và thông qua các dự án luật để nâng cao chất lượng, giá trị và tuổi luật; đề nghị Quốc hội tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và sớm có chủ trương về việc thực hiện tiếp theo sau thí điểm, tạo cơ sở cho việc sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan đến nội dung này. Về kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cử tri trong tỉnh kiến nghị Trung ương tăng cường phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền các tỉnh, thành phố về mọi lĩnh vực để tạo sự chủ động cho các địa phương trong phát triển KT-XH, nhất là trong việc quyết định đầu tư, quản lý tổ chức bộ máy và biên chế; tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động cùng nhiều chính sách liên quan đến thuế, tín dụng, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, hoạt động xuất nhập khẩu ở biên giới...
Riêng với các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ở địa phương, cử tri trong tỉnh kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh Quảng Ninh sớm được thực hiện các cơ chế, chính sách theo Thông báo số 108-TB/TW ngày 1-10-2012 của Bộ Chính trị nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại; trở thành địa bàn động lực, cực tăng trưởng đầu tàu, trung tâm kinh tế mạnh của Vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước; quan tâm giúp đỡ tỉnh Quảng Ninh trong việc trình hồ sơ đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận, đưa vào danh mục di sản thế giới đối với di sản văn hoá tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, Di tích lịch sử văn hoá nhà Trần (Đông Triều - Quảng Ninh) và Khu di tích Yên Tử. Trên cơ sở ý kiến tham gia, đóng góp của cử tri, Đoàn đã có văn bản đề nghị giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tỉnh và gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở thẩm quyền giải quyết của từng cấp. Đồng thời, Đoàn cũng đã tổ chức hội nghị với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và một số cơ quan liên quan để xem xét các nội dung về tín dụng - ngân hàng mà cử tri và doanh nghiệp quan tâm.
Về công tác xây dựng luật, kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 20 dự án luật và nghị quyết. Đoàn đã dành nhiều thời gian cho công tác này thông qua việc tổ chức lấy ý kiến tham gia cho cả 16 dự án luật, nghị quyết mà Văn phòng Quốc hội chuyển đến, trong đó tổ chức 7 hội nghị tham vấn ý kiến. Đây là những ý kiến quý báu để các ĐBQH xem xét tham gia với Quốc hội.
- Trong các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, cử tri của tỉnh đã kiến nghị những vấn đề gì, thưa đồng chí?
+ Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn thấy rằng, đông đảo cử tri đều bày tỏ tin tưởng và quan tâm đặc biệt tới các hoạt động của Quốc hội, nhất là kỳ họp thứ ba vừa qua. Cử tri đánh giá cao việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tinh thần thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm đã được Quốc hội phản ánh kịp thời và thảo luận tại kỳ họp. Các cuộc giám sát chuyên đề đã có chất lượng và trọng tâm, tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm. Thông tin về các hoạt động của Quốc hội được công khai rộng khắp, được nhân dân cả nước dễ dàng theo dõi. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn, lo lắng trước một số thực trạng, làm cản trở quá trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đó là tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi; suy thoái đạo đức lối sống và các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội và tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, thuốc giả chưa được kiểm soát tốt; giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện... gia tăng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện. Đặc biệt là vấn đề quản lý đất đai, quản lý người nước ngoài kinh doanh, làm việc tại Việt Nam còn nhiều thiếu sót, bất cập gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ của các tập đoàn kinh tế, hàng loạt các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, hàng tồn kho nhiều; tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra khá phổ biến.
- Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII có nhiều nội dung, cá nhân đồng chí quan tâm đến nội dung nào nhiều nhất?
+ Đúng là kỳ họp này có rất nhiều nội dung; nội dung nào cũng quan trọng và đáng quan tâm. Bên cạnh việc tìm cách đưa KT-XH nước ta sớm vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển bền vững, tôi rất quan tâm đến việc tham gia cho ý kiến vào một số dự án luật quan trọng. Đó là: Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cùng với đó, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai cũng là vấn đề tôi đặc biệt quan tâm.
Có thể khẳng định rằng, bằng tinh thần, trách nhiệm cao trước đông đảo cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh sẽ tham gia đóng góp những vấn đề thiết thực, hiệu quả tại kỳ họp này!
- Xin cảm ơn đồng chí!
Quang Minh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()