Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:34 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận Luật Căn cước công dân
Thứ 4, 29/10/2014 | 14:09:06 [GMT +7] A A
Chiều 28-10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân. ĐBQH Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tham gia thảo luận.
Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu thảo luận. |
Đại biểu Ngô Thị Minh nhận thấy báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật căn cước công dân của UB TVQH khá đầy đủ, hợp lý, đồng thời tham gia một số nội dung:
1. Đại biểu đồng tình với tên gọi của luật là “Luật Căn cước công dân” vì “căn cước” là thông tin cơ bản về đặc điểm nhận dạng, xác định con người cụ thể, phù hợp với nội hàm chủ yếu của dự thảo luật và đại biểu đồng tình với quy định mọi công dân có Quốc tịch Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước công dân để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình và nhất trí cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em sinh ra ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài và đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài có Quốc tịch Việt Nam, không quy định việc cấp thẻ căn cước công dân đối với người không quốc tịch sinh sống tại VN.
2. Việc Ban Soạn thảo đặt mục tiêu dùng tấm thẻ căn cước công dân thay thế cho phần lớn các loại giấy tờ tùy thân khác như: Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh…góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, tiến tới giảm dần giấy tờ công dân là việc làm hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em chưa đủ 14 tuổi, là việc làm cần thiết, đảm bảo quyền của trẻ em theo quy định của Hiến pháp năm 2013; việc cập nhật thông tin về công dân, đặc biệt là trẻ em phải được cập nhật và bổ sung thường xuyên. Mặt khác, việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em vẫn phải được tiến hành đồng thời với việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em theo một mã số thẻ duy trì suốt cuộc đời mỗi con người từ khi sinh ra. Giấy khai sinh của trẻ em sẽ được tồn tại song hành với trẻ em cho đến khi trẻ em đủ 18 tuổi theo quy định của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.
3. Việc quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan tổ chức, cá nhân là phù hợp. Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu về trẻ em liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Từ khi giải thể Ủy ban DSGĐ&TE, việc cập nhật các cơ sở dữ liệu về trẻ em nói chung và trẻ em yếu thế nói riêng tại các địa phương và các bộ ngành liên quan đang thiếu sự thống nhất và thiếu chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ QLNN trong việc hoạch định chính sách, giải quyết chế độ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em yếu thế và những người trực tiếp chăm sóc trẻ em yếu thế. Việc nắm bắt, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các cơ quan liên quan, trong đó có trẻ em, thông qua việc quản lý thẻ căn cước công dân của trẻ em là việc làm cần thiết, đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi. Đối với những thông tin không cơ bản, không phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính, cần quy định rõ hơn trong dự thảo luật để các cơ quan hữu quan, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý của ngành mình, được phép kết nối để cung cấp, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
4. Tại Điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, Ban soạn thảo cần quy định rõ các nội dung áp dụng đối với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định rõ trách nhiệm bảo mật những thông tin nhạy cảm và những thông tin cần thiết khác, đảm bảo việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân; quy định rõ hơn các nội dung áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và triển khai thực hiện luật.
5. Quy định của Điều 28 và các quy định tại Khoản 3 Điều 26; Khoản 5 điều 27 và Khoản 7 Điều 37 liên quan đến các quy định đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét lại. Tại Khoản 3 Điều 26, dự thảo đề cập đến “các khu vực còn lại” (vậy có được hiểu là ở nước ngoài không), nếu có thì có phù hợp về mặt thời gian không trong khi tại Điều 27 đề cập tới nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ không đề cập đến cơ quan ngoại giao ở nước ngoài mà chỉ đề cập mang tính chuyên biệt là trẻ em mới sinh (cấp mới), còn các đối tượng khác (đổi, cấp lại) thì không có quy định gì. Hơn nữa tại Điều 28 quy định thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an, như vậy đã phù hợp với Công dân Việt Nam ở nước ngoài hay chưa... Nếu Ban soạn thảo cho rằng những nội dung đó đã được quy định tại khoản 7 Điều 37 của Dự thảo thì đề nghị Ban soạn thảo cần viết lại các Điều 26, 27, 28 để đảm bảo rằng, khi đọc những nội dung của các điều liên quan đó, họ biết được ngay mình sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh. Xuyên suốt các Điều 26, 27, 28 không có nội dung nào giành cho người Việt Nam ở nước ngoài trừ khoản 5 Điều 27. Tuy nhiên, đến khoản 7 Điều 37 của Chương IV quy định về trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân lại quy định Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn. Quy định như vậy làm cho người đọc có thể hiểu rằng, công dân Việt Nam ở nước ngoài bị hạn chế quyền, gây hiểu lầm về sự bất bình đẳng từ các quy định của Luật. Đề nghị Ban soạn thảo cho bổ sung thêm một Điều về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam ở nước ngoài với quy định: “Trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân của Công dân Việt Nam ở nước ngoài do Chính phủ quy định”. Quy định như vậy để đảm bảo sự xuyên xuốt, thống nhất, bảo đảm đúng thẩm quyền trong việc quy định cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định các nội dung (về thời hạn cấp đổi, về các giấy tờ kèm theo trong giai đoạn chuyển tiếp...) từ điều 22 đến điều 29, đều là các điều quy định về quy trình giải quyết theo thủ tục hành chính, không có nguy cơ lạm quyền nên có thể quy định theo hướng: “Giao chính phủ quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn từng vùng miền” sẽ phù hợp hơn.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()