Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:30 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận Bộ Luật dân sự (sửa đổi)
Thứ 3, 25/11/2014 | 16:23:31 [GMT +7] A A
Sáng 25-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; tiếp đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về Bộ luật dân sự (sửa đổi); cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh có đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đại biểu Ngô Thị Minh đánh giá Bộ luật dân sự (sửa đổi) trình QH cho ý kiến kỳ này gồm 6 phần với 29 chương và 710 Điều, trong đó có 17 điều, khoản quy định liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên, nội dung dự thảo Luật đã phản ánh sự cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đồng thời tham gia vào nội dung về quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 42):
Đại biểu Ngô Thị Minh. |
Đại biểu cho rằng dự thảo chưa đưa ra khái niệm thống nhất về quyền riêng tư và bí mật cá nhân để thống nhất trong nhận thức và đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như hiệu lực, hiệu quả trong áp dụng của cơ quan có thẩm quyền, qua đó để người dân sử dụng được các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, trong đó có cả việc phải bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Đại biểu nêu rõ đời sống riêng tư và bí mật cá nhân là hai khái niệm có nội hàm khác nhau và không đồng nhất với nhau. Nếu đời sống riêng tư là khái niệm rộng bao gồm những suy nghĩ, hành động, có thể bí mật hoặc không bí mật, có thể bộc lộ cho người khác biết và người khác có nghĩa vụ tôn trọng thì quyền bí mật cá nhân là khái niệm hẹp hơn, bao gồm những nội dung mà chủ thể đó không cho ai biết, luôn muốn giữ bí mật và pháp luật phải bảo đảm, bảo vệ quyền đó của họ. Vấn đề đặt ra là khi nào thì được hiểu nội dung đó thuộc phạm trù riêng tư trong đời sống mỗi người, khi nào được hiểu nội dung đó thuộc về bí mật cá nhân. Ví dụ những bí mật đời tư đã được chủ thể công khai cho nhiều người có đồng nghĩa với việc ai thích “sử dụng, phơi bày” nội dung riêng tư đó thì được phép sử dụng thoải mái hay không, hay khi sử dụng phải được sự đồng ý của người đó. Như vậy, trong thực tiễn, thường xuyên xuất hiện mối quan hệ giữa bí mật cá nhân và đời sống riêng tư. Các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Tố tụng hành chính, Luật Phòng chống HIV, AIDS, Luật Xuất bản,…đều đã quy định về bảo vệ bí mật cá nhân, thư tín nhưng chưa có văn bản nào quy định khái niệm bí mật cá nhân và quyền riêng tư. Chưa có văn bản nào làm rõ: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bao gồm những nội dung gì, phạm vi đến đâu, khi nào được hiểu là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền này như thế nào, chưa có quy định nào xác định chính xác những thông tin được coi là bí mật cá nhân, đời sống riêng tư... Nếu không có khái niệm “để luận giải, để khư trú” sẽ dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng và thực hiện pháp luật, bởi phần lớn sự việc xảy ra trong cuộc sống đều xuất phát và gắn liền với quyền sống của con người trong đó có quyền riêng tư và bí mật cá nhân. Do vậy đại biểu đề nghị, Dự thảo luật cần phải làm rõ khái niệm và mối tương quan lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng xã hội trong việc thực hiện, việc bảo vệ quyền riêng tư, bí mật cá nhân.
Về quyền riêng tư của trẻ em, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xây dựng thành một điều riêng theo quy định của Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em mà nước ta đã ký kết và gia nhập từ năm 1990 đến nay. Về nội dung các khoản trong điều này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xây dựng theo hướng cụ thể hóa quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, đảm bảo có thể thực hiện được ngay. Theo đó đại biểu đề nghị sửa điều này như sau:
“Điều 42a. Quyền riêng tư của trẻ em
1. Trẻ em có quyền riêng tư theo quy định Pháp luật. Nhà nước, gia đình và toàn xã hội có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và giúp trẻ em thực hiện hiệu quả và bảo vệ quyền riêng tư của mình.
2. Nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ, khai thác hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em về hoàn cảnh gia đình, tên, tuổi, địa chỉ, các mối quan hệ, trường học, điểm số, tình trạng sức khỏe, tinh thần, tình trạng pháp lý, thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin riêng tư và chi tiết liên lạc khác mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 6 tuổi trở lên và văn bản đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ.
3. Bố mẹ hoặc người giám hộ không được công bố, tiết lộ, khai thác hoặc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân công bố, tiết lộ, khai thác hình ảnh và các thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nội dung phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, các quan hệ xã hội của trẻ em trong hiện tại và tương lai.
4. Việc khai thác các hình ảnh và thông tin cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này để phục vụ cho quá trình tố tụng phải được thực hiện theo đúng trình tự luật định. Nghiêm cấm các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng công bố thông tin của trẻ em là nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em là người có hành vi vi phạm pháp luật hay trẻ em là người có liên quan khác trong các vụ án.
5. Báo chí, truyền thông xã hội phải xử lý kỹ thuật đối với hình ảnh và thay đổi thông tin cá nhân của trẻ em trước khi đăng bài. Nội dung bài viết về trẻ em là nạn nhân của các hành vi trái pháp luật và trẻ em làm trái pháp luật không được chứa đựng thông tin giúp người đọc nhận diện hoặc tìm được trẻ em đó.”
Xuân Ninh (VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()