Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:33 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường
Thứ 3, 27/05/2014 | 11:15:56 [GMT +7] A A
Chiều ngày 26-5-2014, Quốc hội nghe báo cáo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu |
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cơ bản đồng tình với Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật pháp lệnh khoá XIII và năm 2014 của Quốc hội, với một số quan điểm sau:
Sau khi ban hành Hiến pháp 2013, chúng ta đang tập trung tổ chức triển khai thi hành bản Hiến pháp mang tính đổi mới sâu sắc này, trong đó cần tập trung trước hết, cấp thiết là việc ban hành mới, sửa đổi bổ sung các văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; thể chế kinh tế; quyền con người; nghĩa vụ cơ bản của công dân và những vấn đề liên quan đến đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền của đất nước. Trong khi quỹ thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ còn không nhiều, mặt khác, ngay từ đầu năm hành chính 2015 việc tổ chức đại hội đảng các cấp đã được triển khai tiến tới đại hội toàn quốc của Đảng; nhân sự chủ chốt được quyết định tại đại hội các cấp cũng chính là phương án nhân sự chủ chốt của bộ máy nhà nước các cấp vì vậy cần có sự ưu tiên việc thảo luận, cho ý kiến và ban hành các bộ luật liên quan đến tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, việc thảo luận, cho ý kiến và thông qua các dự án luật này cần được sắp xếp trong một lộ trình liên thông, gắn kết với nhau vừa bổ sung, hoàn thiện lẫn nhau vừa giảm các áp lực về nghiên cứu, xem xét các điều khoản tương đồng, liên thông.
Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình của mình tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp việc cho ý kiến và thông qua Luật về Khu hành chính kinh tế đặc biệt cùng một lộ trình ưu tiên và gắn kết với việc xem xét và thông qua luật tổ chức chính quyền địa phương, để có thể triển khai đồng bộ hệ thống chính quyền địa phương với tất cả các mô hình đặc trưng và xem xét các cơ chế đặc thù trong quản lý. Việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 vừa kịp thời thí điểm các đột phá mạnh mẽ về thể chế theo tinh thần của Hiến pháp mới, vừa khích lệ các địa phương đi đầu trong đổi mới có động lực, niềm tin và cơ sở luật pháp để phát triển. Cùng với việc đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, đại biểu đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình ban hành nghị quyết của UBTVQH về Nghị quyết thành lập các Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt để sớm triển khai được Luật này.
Về việc xây dựng Luật bầu cử mới trên cơ sở hợp nhất Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị cần chú trọng xây dựng tổ chức bầu cử và đổi mới cơ chế hiệp thương có hiệu quả để giảm bớt các khâu rườm rà, trung gian chuẩn bị tốt nhất cho công tác nhân sự; Sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc thực hiện quyền làm chủ nhân dân thông qua các tổ chức đại diện như sớm đưa Luật giám sát của HĐND vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, (hoặc luật riêng, hoặc bổ sung thành một chương trong luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp); Thể chế hóa Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội (theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị), cần xây dựng Luật giám sát để sớm phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, coi đó là động lực, đột phá trong cải cách thể chế chính trị - hành chính, trước hết là xây dựng hệ thống chính trị của nhiệm kỳ mới.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. |
Trong điều kiện kinh tế xã hội mới có dấu hiệu phục hồi bước đầu nhưng phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhiệm vụ khai thông thể chế, tạo động lực mới cho nền kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có trọng tâm, tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khẩn trương thể chế hóa sâu sắc hơn nữa tinh thần minh bạch, công khai, công bằng giữa các thành phần kinh tế, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; đổi mới cơ chế huy động các nguồn lực xã hội, không chỉ là nguồn lực vật chất mà bao gồm cả trí tuệ, khoa học, truyền thống văn hóa…, đầu tư, nuôi dưỡng những ngành, địa phương có tiềm năng để tránh khuy hướng dàn trải nguồn lực; khắc phục tình trạng sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội còn hạn chế. Mạnh dạn hơn nữa trong cải cách hành chính, nhất là áp dụng các mô hình mới, đưa vào dự án Luật hành chính công! theo đó, tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước, tạo điều kiện bình đẳng về cơ chế, chính sách, điều kiện tiếp cận và cung ứng các dịch vụ công trong xã hội. Chuẩn hoá các quy định cụ thể về quản lý ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý tài sản của Nhà nước và phòng chống tham nhũng; trong đó có quy định rõ ràng, đầy đủ phương thức đối tác công – tư; khuyến khích, phát huy nội lực, sức sáng tạo và các nguồn lực còn tiềm ẩn trong nhân dân để xây dựng đất nước, điều đó đặc biệt quan trọng trong giai đoạn còn khó khăn hiện nay.
Đối với các dự án luật, pháp lệnh còn lại, đại biểu đề nghị cần có thứ tự ưu tiên theo tính cấp bách, tránh dàn trải, quá tải dẫn đến chất lượng thẩm định, thảo luận thông qua không cao như: Luật thú y, Luật dân số, Luật tín ngưỡng.
Về các giải pháp liên quan đến công tác chuẩn bị, xem xét, thẩm định, thông qua các dự án Luật, đại biểu đề nghị đưa việc xem xét sửa đổi Luật ban hành VBQPPL vào sớm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là các điều, khoản liên quan đến thời hạn, quy trình ban hành công tác xây dựng luật, pháp lệnh và trình tự xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh quy định tại các Điều 52-53 của Luật. Mốc thời gian trình thẩm định và cung cấp cho các đại biểu Quốc hội trong thời gia qua là quá ngắn, Quốc hội với hơn 70% là đại biểu kiêm nghiệm sẽ rất khó có đủ quỹ thời gian, hiểu biết kinh nghiệm để cho ý kiến và quyết định thông qua; nên có khoảng thời gian cần thiết để nghiên cứu, đối chiếu thực tiễn, tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các tập thể, cá nhân có liên quan và của nhân dân. Cũng về Luật này, cần quy định chi tiết thêm việc sửa đổi bổ sung các quy định về quy trình, cách thức, nội dung xin ý kiến thảo luận và cho ý kiến biểu quyết về những nội dung còn khác hau. Đồng thời cũng điều chỉnh các điều kiện, nguồn lực, chế độ tài chính về xây dựng luật, pháp lệnh; tránh tình trạng bình quân, cào bằng cả về giá trị biểu quyế, chính sách tài chính và cơ chế đánh giá trách nhiệm giữa các đại biểu Quốc hội.
Về quan điểm xem xét thông qua các dự án luật, pháp lệnh, cần phải lấy mục đích Quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng; không đồng tình tình trạng cơ quan chủ trì trình dự án Luật đưa vào các quyền, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, kèm theo các thủ tục rườm rà và bộ máy tổ chức cồng kềnh thêm.
Quốc hội cần có một chương trình giám sát toàn diện và thường xuyên về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh tránh tình trạng nợ đọng đến trên 27,99% các văn bản quy định và tình trạng văn bản có dấu hiệu không phù hợp về tính hợp hiến, hợp pháp tới 312 trường hợp như trong báo cáo của Chính phủ hoặc như kiến nghị sửa đổi 72 văn bản về tài chính của cơ quan Kiểm toán nhà nước.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()