Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:22 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường
Thứ 7, 01/11/2014 | 10:20:07 [GMT +7] A A
Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Trần Văn Minh, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
Tôi chia sẻ tâm huyết của nhiều đại biểu Quốc hội về một số nội dung ngân sách nhà nước như bội chi ngân sách nhà nước, an toàn nợ công…trong phiên thảo luận về KH-XH. Tôi xin trao đổi thêm về nội dung nợ thuế tăng cao như sau:
1. Về thực trạng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/5/2014, nợ thuế của các doanh nghiệp là 68.500 tỷ đồng, tăng 12,5% so với với cuối năm 2013; trong đó nợ khó thu chiếm tới 16,8%, nợ đến 90 ngày chiếm 22,9%, nợ trên 90 ngày chiếm 54,9% và nợ chờ xử lý chiếm 5,4%. Đây là giá trị nợ đọng thuế lớn và điều đáng chú ý nữa là, tổng nợ khó thu và nợ trên 90 ngày chiếm tỷ lệ cao, tiềm ẩn nguy cơ khó cải thiện tình hình nếu không có các giải pháp quyết liệt, tích cực hơn.
2. Về nguyên nhân
Tình hình nợ đọng thuế trên, theo tôi có 1 số nguyên nhân chính sau:
2.1. Do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản; các doanh nghiệp vay nợ ngân hàng lớn, khó tiếp cận được vốn vay, dẫn đến chiếm dụng tiền thuế để sản xuất, kinh doanh; hàng tồn kho lớn cũng là nguyên nhân dẫn tới nợ thuế. Thị trường bất động sản tuy ấm lên nhưng chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi việc giải ngân đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách còn chậm đã tác động lớn tới khả năng tài chính của doanh nghiệp. Thực tế, số nợ thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nợ thuế.
Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội trường. |
2.2. Tình trạng cố tình chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước diễn ra không ít. Một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật kém, sẵn sàng vi phạm pháp luật miễn là đạt được lợi ích cục bộ của mình. Tình trạng “giả chết” hay “chuyển vốn” để trốn thuế diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng biện pháp xử lý không dứt khoát, cùng với kẽ hở từ sự thông thoáng của cơ chế đã “tiếp tay” cho nhiều chủ doanh nghiệp “làm liều”.
2.3. Công tác phối hợp cưỡng chế thi hành thuế còn khó khăn, kết quả còn hạn chế: Việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng kết quả không cao do các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản không kịp thời, chủ yếu cơ quan thuế chỉ nắm được những số tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế; Việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản hiệu quả thu nợ thường không cao vì thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian và công sức trong xác minh tài sản và thẩm định giá tài sản kê biên hoặc chi phí thẩm định giá cao; Biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề đối với doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh thì hầu như không có tác dụng; Việc phối hợp của đoàn liên ngành thu nợ mới chỉ dừng lại ở đôn đốc chứ chưa có chế tài, biện pháp mạnh để răn đe.
2.4. Tỷ lệ tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ thuế quá 90 ngày là 0,07%/ngày là cao, khó khả thi. Hiện nay, có những trường hợp tiền chậm nộp còn lớn hơn tiền thuế phải nộp. Do đó, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cho cả cơ quan Thuế.
2.5. Từ khi có quy định doanh nghiệp tự kê khai và tự nộp thuế, công chức ngành Thuế ít nhiều có sao nhãng trong việc bám sát doanh nghiệp để kiểm tra đôn đốc nộp thuế, đến khi quá thời hạn nộp thuế mới tính tiền phạt, khi thành lập các đoàn kiểm tra thu thuế thì tình hình đã xấu đi.
3. Một số đề xuất kiến nghị
Để đạt mục tiêu đặt ra là tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31-12-2014 không vượt quá 5% tổng thu năm 2014 và tiếp tục được cải thiện ở những năm tiếp theo để thuận lợi cho công tác cân đối NSNN, góp phần giảm bội chi và hạ thấp tỷ lệ nợ công. Tôi đồng ý, đầu tiên là phải làm cho kinh tế phát triển, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có vốn để SXKD và thực hiện nghĩa vụ thuế mà phiên thảo luận về KT-XH đã rất sôi nổi trong hơn 1 ngày qua. Tôi cũng đồng ý với các giải pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng CNTT trong lĩnh vực thuế và hải quan; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại…như báo cáo của Chính phủ và các kiến nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban TC-NS. Tôi xin trao đổi thêm 1 số nội dung sau:
3.1. Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Khi xây dựng dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế thì tình hình lạm phát đang ở mức cao, lãi vay Ngân hàng cũng ở mức rất cao. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tình hình kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát được kiềm chế, lãi suất Ngân hàng xuống thấp, do vậy tỷ lệ tính tiền chậm nộp 0.07%/ngày là khá cao. Mức phạt cao khiến người nộp thuế không có khả năng nộp cả thuế và tiền phạt, bởi vậy, nhiều người nộp thuế muốn nộp thuế và phạt nhưng số tiền phạt quá cao nên họ lại dây dưa nợ thuế. Vì vậy, có nên chăng xem xét điều chỉnh tính mức phạt 0.05%/ngày đối với tất cả các khoản nợ, không phân biệt tuổi nợ trên và dưới 90 ngày cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
3.2. Trong tình hình SXKD còn khó khăn hiện nay, cần quan tâm sớm xử lý dứt điểm các khoản nợ XDCB để doanh nghiệp có vốn SXKD và để thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tôi có dịp làm việc với 1 số doanh nghiệp. Có doanh nghiệp phản ánh, ngân sách nợ họ vài chục tỷ đồng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn SXKD, và tất nhiên là còn nợ tiền thuế. Cơ quan thuế phạt chậm trả, tất nhiên là đúng pháp luật, nhưng như vậy thật là không công bằng với doanh nghiệp. Việc thanh toán nợ XDCB thì nhỏ giọt, khi thanh toán lại yêu cầu doanh nghiệp trả hết nợ thuế, thành ra doanh nghiệp khó vẫn hoàn khó. Tuy nhiên, họ cũng chỉ biết phàn nàn mà không dám phản ứng vì nhiều mối quan hệ. Trong thời gian chờ xử lý nợ XDCB, cần giải quyết kịp thời gia hạn nợ cho đơn vị gặp khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản mà NSNN còn nợ vốn chưa thanh toán.
3.3. Cần nghiên cứu có phương án phù hợp xóa các khoản nợ đọng thuế quá lâu, không còn khả năng thu hồi; khoanh lại, cho nộp dần, hoặc xóa nợ đối với các khoản phạt thuế chậm nộp để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất. Đấy là mục tiêu lâu dài, nuôi dưỡng nguồn thu. Mặt khác, dù không xóa thì các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi cũng chỉ là con số ảo, gây áp lực cho nền kinh tế và ngân sách; cần hành động tích cực hơn là xóa để tập trung thu có hiệu quả các khoản nợ khác.
3.4. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế các cấp; tăng cường sự phối hợp có hiệu quả của các ngành trong công tác thu thuế và hơn ai hết, ngành Thuế cũng phải tích cực tự đổi mới công tác quản lý để thực hiện các biện pháp thu thuế đạt hiệu quả cao hơn.
Cuối cùng, như đã nêu ở trên, thủ tục đăng ký mở công ty, doanh nghiệp quá dễ dàng, trong khi công tác "hậu kiểm" sau khi cấp đăng ký kinh doanh ít được thực hiện, dẫn đến tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn hoặc chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thực tế sau cấp phép; đối với các doanh nghiệp thành lập mới, cần hình thành cơ chế thông tin giữa ngành Kế hoạch - Đầu tư và ngành Thuế để kiểm tra, chủ doanh nghiệp không nợ thuế thì mới cấp phép thành lập.
Xuân Ninh (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()