Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:59 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Thứ 7, 01/11/2014 | 10:14:55 [GMT +7] A A
Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình KT-XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh có đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và Thượng tọa Thích Thanh Quyết.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng phát biểu, năm 2014 làm một năm đầy khó khăn; kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, những vấn đề căng thẳng và xung đột chính trị tiếp tục gia tăng; những vấn đề phức tạp về Biển Đông - Biển Hoa Đông ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị của đất nước, song cử tri Quảng Ninh và nhân dân cả nước đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; ghi nhận những đổi mới tích cực trong giám sát và thể chế các chủ trương, đường lối của Đảng, của UBTVQH và của Quốc hội. Trước những nỗ lực đó, kinh tế xã hội của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; bước đầu đã đẩy lùi được nguy cơ bất ổn và phát triển thiếu bền vững.
Cụ thể: Ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, giữ được tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước, lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và là tiền đề để thực hiện các mục tiêu dài hơn.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường. |
Từng bước tháo gỡ được những khó khăn để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Dự trữ ngoại hối quốc gia tăng vọt (gần gấp 4 lần so với năm 2011). Cán cân thương mại được cải thiện và là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, thu NSNN có những chuyển biến tích cực.
Từng bước thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược - Hạ tầng giao thông được cải thiện; điện lưới quốc gia đã cơ bản phủ đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và đã vượt biển ra tới đảo xa: Cô Tô - Lý Sơn - Phú Quốc. Những nỗ lực về cải cách thể chế được khẳng định – Quốc hội giành sự quan tâm lớn trong việc cụ thể hóa Hiến pháp 2013, về thể chế chính trị, kinh tế thị trường; ... dân chủ và quyền con người.
Các chính sách, giải pháp vì con người, về phát triển nguồn nhân lực của đất nước và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; những nỗ lực trong đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo; cải thiện chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm và có chuyển biến.
Chính phủ, Quốc hội đã chủ động quyết định ưu tiên nguồn lực đáng kể cho củng cố tiềm lực quốc phòng – an ninh và hỗ trợ các lực lượng chức năng cùng nhân dân bám biển; xử lý tốt các bất ổn trên Biển Đông cùng với các nỗ lực trong đối ngoại; tranh thủ các diễn đàn quốc tế; tăng cường đàm phán các cấp đã củng cố và xây dựng được môi trường hòa bình - ổn định và từng bước thiết lập được thêm các liên kết quốc tế để phát triển.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đồng tình với những quan điểm Bộ Trưởng Bộ Tài chính phát biểu rất sâu sắc phân tích về cơ cấu, tác động và giải pháp nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết vấn đề nợ công trong lộ trình tới đây của đất nước tại phiên họp chiều 30-10 và thấy rằng: Nợ công không phải là vấn đề riêng của Việt nam, cũng không chỉ là vấn đề riêng có của các nước đang phát triển. Ngày này của 1 năm trước, Chính phủ Mỹ cũng phải đóng cửa do đối mặt với vấn đề nâng trần nợ công và không phải nợ công lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu.
Đại biểu cũng cơ bản đồng tình với 6 giải pháp về kiểm soát nợ công, đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia mà đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội và thể hiện sự đồng tình với: Tiếp tục các giải pháp hiệu quả hơn trong kích thích tăng trưởng mở rộng thị trường, chủ động kết nối sản phẩm giữa các doanh nghiệp; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh; tăng nguồn thu cho NSNN vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa có tích lũy để cải thiện tình hình nợ công.
Quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công cả trong đầu tư phát triển và chi thường xuyên; ưu tiên nguồn lực cho các ngành lĩnh vực trọng yếu về hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa KHCN làm động lực phát triển; đưa chi tiêu dịch vụ công theo hướng cân đối trên sản phẩm đầu ra và mở ra các cơ hội cung ứng dịch vụ xã hội theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì mà người dân và xã hội làm được; thắt chặt chi tiêu thường xuyên.
Minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước, chấn chỉnh kỷ cương trong khâu cấp phát - sử dụng NSNN. Minh bạch trong chi tiêu công - không dùng tiền mặt; tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các thể chế quản lý NSNN và khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư xã hội; tăng cường giám sát của Quốc hội - kiểm toán nhà nước và của toàn xã hội đối với quản lý sử dụng các nguồn lực nhà nước-xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng.
Cùng tham gia phát biểu, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 và cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 cơ bản đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, an ninh chính trị được giữ vững, ngoại giao được mở rộng, hoạt động ngân hàng ổn định, giao thông, an sinh xã hội được quan tâm, tăng trưởng kinh tế hợp lý; quan tâm tới các vùng khó khăn, như đưa điện lưới tới vùng đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... tạo niềm tin cho nhân dân; có được như vậy do nhiều nguyên, trong đó nguyên nhân chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo. Thượng tọa Thính Thanh Quyết khẳng định Hội phật giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đồng thời cung cấp thêm thông tin về tình hình hoạt động của Tăng ni Phật tử ở chùa Bồ Đề và đề xuất với cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét cho Hội phật giáo Việt Nam được tu sửa, xây dựng đền, chùa ở một số địa điểm liên quan đến bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()