Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:23 (GMT +7)
HĐND tỉnh giám sát tại huyện Bình Liêu
Thứ 3, 17/05/2022 | 16:19:17 [GMT +7] A A
Ngày 17/5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về điều hành ngân sách; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và phát triển lâm nghiệp bền vững tại huyện Bình Liêu.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Giai đoạn 2019-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 13,5%/năm. Tình hình thực hiện thu, chi ngân sách trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước các năm 2020, 2021 và quý I/2022 thực hiện đạt trên 616 tỷ đồng; tổng chi ngân sách thực hiện đạt trên 1.679 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ lệ số thu tiền sử dụng đất trong cơ cấu nguồn thu giảm dần qua từng năm, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Chi ngân sách địa phương tập trung cho con người, an sinh xã hội, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, thực hiện tiết kiệm chi, ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Về chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, theo Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên liên kết sản xuất, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, đảm bảo tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đồng thời khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ.
Đối với chủ trương trồng rừng gỗ lớn, huyện Bình Liêu đã xây dựng kế hoạch và tập trung trồng rừng tập trung và trồng cây gỗ lớn (lim, dổi, lát). Đến nay, đã triển khai trồng được 99,1 ha.
Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Bình Liêu trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác điều hành thu, chi ngân sách; chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác giảm nghèo theo tiêu chí mới; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em….
Đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị huyện Bình Liêu tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều hành thu, chi ngân sách; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn thu, hạn chế tối đa việc tăng thu từ đất; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư 2 dự án lớn là cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến Quốc lộ 18C, huyện Bình Liêu và giai đoạn 1 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tràn vượt lũ trên địa bàn huyện, để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đảm bảo mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
Tôn Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()