Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:23 (GMT +7)
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai làm việc tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ 7, 11/06/2022 | 13:12:52 [GMT +7] A A
Ngày 11/6, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do đồng chí Lê Quang Hùng, thành viên Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN).
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT; Bộ Tư lệnh BĐBP; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel…
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra, về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh; đại điện lãnh đạo một số sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy.
Năm 2021, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tương đối phù hợp với quy luật, không có nhiều bất thường lớn. Trong năm, toàn tỉnh hứng chịu 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 9 đợt mưa lớn và 3 đợt rét đậm, rét hại. Nhờ kinh nghiệm phong phú trong công tác phòng, chống thiên tai; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, đồng bộ của lãnh đạo tỉnh; sự nghiêm túc, chủ động của các ngành, các địa phương, cũng như sự đồng lòng, cùng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, nên thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu đáng kể. Năm 2021, toàn tỉnh không có thiệt hại về người; ước thiệt hại về vật chất khoảng 1 tỷ đồng, giảm sâu so với những năm trước.
Qua nghe báo cáo và các ý kiến trao đổi, phát biểu làm rõ của các thành viên trong đoàn kiểm tra cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Lê Quang Hùng, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Quảng Ninh là một trong những địa phương có đặc điểm tự nhiên đặc biệt, chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Chính vì vậy, tỉnh cần chú ý quan tâm, lên kế hoạch và triển khai thật tốt công tác PCTT, TKCN trên tinh thần lấy phòng là chính.
Trong đó, tỉnh cần đặc biệt chú ý đến một số vấn đề, như: Hệ thống cảnh báo và phương án xử lý sạt lở đất ở các khu vực nguy cơ cao; bảo vệ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập; quản lý, di dời, bảo vệ an toàn cho người dân khỏi các khu vực bãi thải mỏ, các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, mất an toàn; bảo vệ ngư dân trên biển; kiện toàn và sẵn sàng triển khai các lực lượng tác chiến cứu hộ cứu nạn…
Tiếp thu các ý kiến của đồng chí Lê Quang Hùng, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và các thành viên trong Đoàn công tác, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2022 và thời gian tiếp theo, Quảng Ninh xác định sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội; nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương trong PCTT; thực hiện hiệu quả phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án PCTT, TKCN để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra; đầu tư nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cùng các công trình PCTT khác, đặc biệt là hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm…
Quảng Ninh xác định sẽ lấy phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại làm trọng tâm, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, bảo vệ sản xuất và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đối với những tồn tại, hạn chế mà Đoàn công tác góp ý tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu, lên kế hoạch triển khai khắc phục trong thời gian tới.
Trong chương trình làm việc tại Quảng Ninh, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng đã đi kiểm tra thực tế tại hồ Yên Lập, tuyến đê biển Hà Nam và một số vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.
Minh Hà – Nguyễn Tuân
Liên kết website
Ý kiến ()