Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 10:27 (GMT +7)
Doanh nghiệp bán lẻ nội địa nỗ lực chiếm thế chủ động trên sân nhà
Thứ 3, 19/04/2022 | 16:15:02 [GMT +7] A A
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa vẫn đang nỗ lực giữ và duy trì vị thế chủ động trên sân nhà.
Thị trường màu mỡ
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam khá sôi động khi các hệ thống bán lẻ như: SaigonCo.op, Vinmart, Aoen, Big C, MM Mega Market, Bách hóa Xanh... đã có mặt ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước và người dân cũng khá quen thuộc với những nhà bán lẻ trên.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (ngụ ở Quận 1) cho biết, từ khi dịch bệnh xuất hiện, chị có thói quen đi mua hàng tại siêu thị mỗi tuần từ 2-3 lần. "Hiện nay, tất cả các mặt hàng cần dùng cho gia đình đều được bày bán phong phú, đa dạng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Giá các loại thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng trong các siêu thị hiện đại cũng tươi ngon và còn giảm giá nên giúp người tiêu dùng tiết kiệm thêm chi tiêu hàng ngày", chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên nói.
Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), khoảng 55% DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% DN quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng vì đây là mảnh đất màu mỡ, đầy dư địa để phát triển. Dự báo, trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam là nước đứng đầu tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Trong đó, đối với các DN đầu tư cơ sở sản xuất, TP Hồ Chí Minh cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực. TP Hồ Chí Minh đang nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là ngành bán lẻ vì có mật độ dân số đông đúc. Với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, những yếu tố này đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, vì vậy các nhà bán lẻ cũng tập trung đông nhất ở đây.
Nói về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Vivek Kaul, Giám đốc Ngành bán lẻ của CBRE tại châu Á cho biết, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ khảo sát để mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đã và đang có không ít nhà bán lẻ nước ngoài đến đây đầu tư và phát triển thị trường.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, những năm gần đây thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Các nhà đầu tư đã đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ. Có thể thấy, ngành bán lẻ của Việt Nam đang khá thu hút các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài.
Mới tham gia thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Thế An, Giám đốc Quan hệ Định chế Tài chính NovaGroup cho biết, đơn vị phát triển thị trường bán lẻ theo đối tượng khách hàng của mình và không tranh giành thị phần với bất kỳ nhà bán lẻ nào. Hiện nay, dư địa trên thị trường còn rất lớn để các nhà bán lẻ thỏa sức phát triển tùy theo tiềm lực của doanh nghiệp. Theo thống kê, mức tiêu thụ bình quân/người tại Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng 60% một số nước. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển cao gấp 3 - 4 lần. Bên cạnh đó, đại dịch bùng phát cũng thúc đẩy nhanh xu hướng tiêu dùng mới nghiêng về các nhà bán lẻ phục vụ nhiệt tình .
Doanh nghiệp Việt giữ thị trường
Theo ông Nguyễn Anh Đức, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành bán lẻ tiếp tục bị tác động mạnh khi giảm đến 3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015, riêng TP Hồ Chí Minh giảm đến 21,9%. Saigon Co.op cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, tuy nhiên đơn vị vẫn đặt mục tiêu mở mới từ 3 - 5 mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại; mô hình bán lẻ nhỏ 80-100 điểm. Sở dĩ đơn vị đặt mục tiêu như vậy vì mong muốn giữ vững vị thế đứng đầu về số lượng cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên cả nước nhằm đem lại nhiều sản phẩm chất lượng tới tận tay cho người tiêu dùng cả nước.
Tương tự, công ty Novaland dù là công ty chuyên về bất động sản nhưng cũng đã chuyển sang đầu tư đa ngành, trong đó phải kể đến mảng bán lẻ. Hiện đơn vị này đã mở 3 cửa hàng Nova Market theo hình thức siêu thị nhỏ bày bán thực phẩm, đồ uống, rau củ tươi sống. Để phát triển thị trường bán lẻ, từ đầu năm đơn vị này công bố hàng loạt thương hiệu F&B, đây chính là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ hiện đại của Việt Nam vươn lên giữ vững thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Thế An cho biết: “Mục tiêu của tập đoàn năm 2022 là mở 300 cửa hàng với nhiều quy mô khác nhau trên cả nước. Đến năm 2025, đơn vị sẽ phát triển nhanh hơn với 2.000 điểm bán để phủ sóng toàn quốc nhằm đem đến nhiều sản phẩm tiêu dùng giá rẻ nhưng chất lượng”.
Theo Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam, mặc dù thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị phần chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như: Masan, MWG. Trong đó, Tập đoàn Masan vừa có một năm thăng hoa, vượt qua các áp lực vận hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
The CrownX, nền tảng hợp nhất WinCommerce (sở hữu siêu thị WinMart/ cửa hàng WinMart+) và Masan Consumer Holdings đạt doanh thu 58.000 tỷ đồng. Có thể nói, Masan hiện là doanh nghiệp bán lẻ có mạng lưới lớn nhất với gần 2.800 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+. Cuối năm 2021, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền được ví như “hổ mọc thêm cánh”. Nhờ mô hình nhượng quyền, Masan hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025.
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, toàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi), 236 chợ truyền thống. So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố tăng thêm sáu trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi và giảm bốn chợ. Cùng với đó, thành phố hiện có hơn 28 nghìn cửa hàng bán lẻ truyền thống (cửa hàng tạp hóa) đang hoạt động. Hệ thống phân phối hiện đại của thành phố được đánh giá có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển thêm 67 siêu thị, 81 trung tâm thương mại; giữ nguyên hiện trạng 200 chợ, phát triển thêm 17 chợ; giải tỏa, di dời, chuyển công năng của 37 chợ... Việc phát triển hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh góp phần giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, các doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt. Về lâu dài, các doanh nghiệp nội muốn giữ vững thị trường nội địa vẫn cần chọn đầu tư những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng chất sản phẩm để có tính cạnh tranh cao...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()