Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:21 (GMT +7)
Doanh nghiệp bán lẻ vào mùa bội thu
Thứ 6, 06/01/2023 | 13:54:01 [GMT +7] A A
Nhiều doanh nghiệp, ngành bán lẻ đang tăng khuyến mãi, tăng tốc trong mùa mua sắm sôi động nhất trong năm. Kết quả khảo sát do Vietnam Report thực hiện gần đây cho thấy, sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Tăng dự trữ hàng hoá
Đăng ký cung ứng cho thị trường khoảng 1-1,5 triệu trứng mỗi ngày trong cao điểm Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng đã chủ động ký hợp đồng tăng số lượng thu mua trứng từ các trang trại chăn nuôi để đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 30-50% trong tháng Chạp. Ông Trương Trí Thiện - Tổng Giám đốc Vĩnh Thành Đạt - cho biết, đối với doanh nghiệp bình ổn giá, thiếu hàng là việc tuyệt đối không được phép. Vì vậy, đơn vị luôn chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, không lo thiếu, giá cả bình ổn, không tăng trước và sau Tết.
Tương tự, ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần súc sản kỹ nghệ Việt Nam (Vissan) - chia sẻ, doanh nghiệp đã tăng thực phẩm tươi sống lên 33% so với năm trước, thực phẩm chế biến tăng khoảng 8% so với năm trước. Vissan cũng đang chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng và người lao động để cuối năm có điều kiện mua sắm.
Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng nhận định, điểm thuận lợi của mùa kinh doanh Tết năm nay là nhờ vào sự ổn định của thị trường, doanh nghiệp giữ nguyên hoặc tăng mức thưởng Tết cho người lao động nên đã tác động tới tâm lý và hành vi mua sắm của đa số người tiêu dùng.
Đặc biệt năm vừa qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế thế giới. Các giải pháp bình ổn giá đã phát huy tác dụng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng vừa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cuối năm và được vay vốn lãi suất ưu đãi, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp bán lẻ có nhiều điều kiện bứt tốc ngay những ngày đầu năm và triển vọng bứt phá trong năm 2023.
Dự báo tăng trường tích cực
Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao (10,15%), đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%).
Đại diện Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do đơn vị vừa thực hiện cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch COVID-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ từ cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Phía Công ty Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) cũng đánh giá, những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn, tạo ra “làn sóng" mua sắm với số lượng lớn đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng…Thực tế tại nhiều địa phương, hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu dùng, hội chợ giảm giá, kết nối cung cầu, tôn vinh hàng Việt… cũng đang đồng loạt diễn ra để tăng sức mua. Đặc biệt tại các thành phố lớn, ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương, nhiều đặc sản các vùng miền cũng đã quy tụ để phục vụ người dân trong dịp Tết cận kề.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()