Thông tin trên được ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam nêu tại tọa đàm: "Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN 2023" tại TP HCM, ngày 23/5.
Theo ông Khoa, chưa bao giờ ngành gỗ lại khó khăn như hiện nay. Các doanh nghiệp "chạy ngược xuôi" cũng chỉ có được vài đơn hàng nhỏ. "Hàng hóa mà doanh nghiệp đang sản xuất chủ yếu là đơn hàng cũ", ông cho hay.
Ngoài việc vất vả tìm đơn hàng mới, theo các doanh nghiệp gỗ, hiện họ còn gặp khó trong tiếp cận vốn, lãi suất vay và chi phí đầu vào ở mức cao.
Chia sẻ với PV trước đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ - cho biết dòng tiền doanh nghiệp tắc nghẽn. Các ngân hàng siết hạn mức tín dụng, giải ngân chậm, lãi suất tăng cao nên hoạt động sản xuất bị tác động dây chuyền.
"Chúng tôi đang gặp khó ở nhiều phía. Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty lại cạn vốn nên họ ưu tiên thu hồi công nợ. Còn đối tác mua hàng thì xin giãn nợ vì sức mua yếu", ông Tuấn nói.
Trước các bất cập trên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Vifores), nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Họ đang sản xuất kinh doanh với mục tiêu không lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.
Ông Trần Ngọc Liêm, đại diện Liên đoàn thương mại và doanh nghiệp - VCCI HCM, cho biết doanh nghiệp chế biến gỗ, mỹ nghệ là nhóm nằm trong top khó khăn nhất hiện nay. Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4 tỷ USD, giảm 28,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khiến ngành gỗ gặp khó là do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Lạm phát leo thang, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, kinh tế thế giới chậm phục hồi và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới cũng có tác động đến xu hướng thắt chặt chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ. Hiện nhu cầu mua sắm tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU giảm đột biến.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.
Để giảm bớt khó khăn, theo Vifores, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng. Ông Cao Văn Đồng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia, cho biết tháng 3, công ty đã tham gia VIFA EXPO 2023 tại TP HCM và bán được 24 container hàng. Công ty còn tiếp cận được thêm 40 khách hàng mới tham quan, tiếp xúc tại doanh nghiệp. Ông kỳ vọng với VIFA ASEAN 2023, công ty ông và các doanh nghiệp khác sẽ gặt hái nhiều thành công hơn.
VIFA ASEAN 2023 thu hút khoảng 350 nhà sản xuất và chế biến đồ gỗ - mỹ nghệ xuất khẩu trong nước và quốc tế, với 1.400 gian hàng. Tại đây sẽ có các khu vực gian hàng chung của các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines.
Ý kiến ()