Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:37 (GMT +7)
Doanh nghiệp khát lao động mùa dịch
Thứ 2, 05/07/2021 | 10:51:42 [GMT +7] A A
Giãn cách, khoanh vùng cách ly... để phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều địa phương khiến hàng loạt doanh nghiệp thiếu hụt lao động, sản xuất khó khăn.
Hàng ngàn công nhân phải tạm nghỉ
Từ ngày 30.6, UBND H.Thống Nhất (Đồng Nai) thực hiện phong tỏa 4 xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 do có các trường hợp F1, F2 để phòng chống dịch Covid-19, dẫn tới 2.100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Pousung VN (H.Trảng Bom, Đồng Nai) cũng bị cách ly tại nhà. Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung VN, khoảng 2.100 công nhân của công ty đang cư ngụ tại 4 xã nói trên nên khi địa phương bị phong tỏa thì họ cũng “nột bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhiều phân xưởng của Pousung phải thực hiện truy vết đến F2 nên tổng cộng có đến gần 3.000 công nhân phải tạm nghỉ việc, chiếm 12% tổng số lao động của toàn công ty. Đáng nói là từ ngày 19.6 cũng đã có khoảng 1.000 công nhân bị cho nghỉ 1 tuần sau khi có một ca F1 (là vợ của một người F0 ở Long Khánh trước đó).
Áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM nếu có nhu cầu tuyển dụng lúc này là rất lớn. Thế nên, Công ty Dony đến nay vẫn phải tăng ca, tăng giờ làm, chứ không chấp nhận tuyển dụng mà không bảo đảm an toàn phòng chống dịch, cố gắng theo chủ trương “mục tiêu kép”, vừa chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh..., ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh (Hóc Môn, TP.HCM), cho biết dù khu vực nhà máy chưa bị giãn cách thời gian qua nhưng công ty ông và một số đơn vị khác ở cùng khu công nghiệp cũng lâm vào tình trạng phải cho tạm nghỉ việc khoảng 10% số công nhân khi nhiều phường, xã ở các quận của TP.HCM bị khoanh vùng. Đa số là các trường hợp F2 do có liên quan với người thân hoặc ở ngay trong vùng bị cách ly. Việc này khiến năng suất của toàn nhà máy bị giảm xuống. Để bù lại cho số công nhân phải tạm nghỉ, có thời điểm công ty phải bố trí tăng ca để duy trì sản xuất. Công ty Đức Minh đã chuẩn bị sẵn một số mùng mền, thực phẩm để nếu trường hợp bị cách ly bất ngờ sẽ cho công nhân sinh hoạt luôn tại chỗ. Một số đơn vị cận kề cũng thuê sẵn nhà tại các dự án chưa bàn giao cho khách hàng ở gần nhà máy cho lực lượng lao động nòng cốt có chỗ ở tạm trong thời gian một số địa phương thực hiện giãn cách để hạn chế di chuyển, giảm nguy cơ bị lây nhiễm...
Vừa tuyển người vừa căng thẳng
Cũng gặp áp lực vì thiếu nhân lực trong mùa dịch Covid-19 năm nay, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), cho hay công ty có nhu cầu tuyển dụng nhưng không dám. Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng xuất khẩu của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng tăng thêm hơn 10% số đó nhưng đành phải lắc đầu cho những hồ sơ xin việc trực tiếp. “Có những đơn hàng phải giao tháng 7, tôi phải làm việc với họ để có thể giao chậm sang tháng 8 vì không đủ lượng công nhân sản xuất. Lúc này, công nhân chưa được tiêm vắc xin, nếu nhận thêm người vào, không rõ thế nào. Nhỡ có ca F0 bùng ra thì nhà máy đóng cửa nên sợ lắm. Bây giờ, việc đảm bảo an toàn cho nhà máy để duy trì sản xuất là quý nhất. Nên để giao đúng tiến độ, chúng tôi xin làm việc với khách hàng lại, chấp nhận chịu thiệt thòi thêm vài chi phí, chứ không đảm bảo đúng tiến độ giao hàng để đánh đổi nguy cơ nhiễm dịch vào nhà xưởng”, ông Lê Duy Toàn chia sẻ.
Trái lại với Duy Anh Foods, Công ty TNHH may mặc Dony vẫn chọn phương án tuyển dụng vì quá thiếu người dù nguy cơ lây lan bệnh dịch rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng hàng xuất đi châu Âu và Mỹ của công ty tăng cao hơn cả 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, tại đợt giãn cách trong nửa đầu tháng 6, một số công nhân của công ty sống tại khu vực Q.Gò Vấp, Q.12 đã phải ở lại nhà máy để sản xuất, khối văn phòng thì làm online. Do đơn hàng tăng nên theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Dony, công ty đang tuyển thêm nhân sự trong khâu cắt và may để phục vụ đơn hàng xuất khẩu lẫn nội địa nhưng quá khó vì quy trình tuyển dụng của công ty cũng siết chặt hơn, phức tạp hơn trước để bảo đảm tuyệt đối chống dịch.
Cụ thể trước đây, ứng viên gửi hồ sơ, phòng nhân sự chỉ cần xem hồ sơ, hỏi vài câu cơ bản, rồi hẹn để ứng viên đến nhà xưởng thử tay nghề, làm được là tuyển dụng ngay. Còn hiện nay công ty phải sàng lọc phỏng vấn qua điện thoại một lượt, phỏng vấn trực tiếp tại sân của nhà máy với bảo đảm quy định 5K. Nếu bộ phận tuyển dụng thấy công nhân đó “ưng ơi là ưng rồi”, khả năng sẽ nhận vào làm đến 80 - 90% rồi mới cho vào xưởng để thử tay nghề sau khi làm các thủ tục khử khuẩn, bảo hộ đầy đủ. “Với cách làm này, chúng tôi muốn bảo đảm tối đa giữ an toàn cho toàn nhà máy, duy trì sản xuất. Thế nên, sẽ có không ít trường hợp tuy tay nghề giỏi, nhưng kỹ năng trả lời phỏng vấn hạn chế sẽ chịu thiệt thòi. Lúc trước, tuyển dụng dựa trên thực lực tay nghề của công nhân là chính, “bập” vào máy thấy may đẹp, cắt giỏi là nhận ngay. Nay trong mùa dịch, không phải cảm tính nhưng hơn một nửa dựa vào khả năng nhìn người, đánh giá của bộ phận tuyển dụng. Có nhiều trường hợp người bị hỏi thấy chán, bỏ cuộc sớm. Họ mệt, mình cũng mệt, nhưng không siết mà cho người ngoài vào ra nhà xưởng tùy tiện, nhỡ có ca F0 thì cả nhà máy “chết”. Toàn bộ công nhân phải nghỉ, nhà máy đóng cửa, trong khi các đơn hàng từ nước ngoài không chờ mình”, ông Quang Anh nói.
Theo Thanh Niên
Liên kết website
Ý kiến ()