Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:57 (GMT +7)
Doanh nghiệp Việt Nam lên kế hoạch xuất khẩu gạo
Thứ 4, 09/10/2024 | 15:39:55 [GMT +7] A A
Ấn Độ chính thức quay lại đường đua xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã dự đoán được tình hình và có kế hoạch để ổn định thị trường lúa gạo.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn. Động thái này, sẽ thúc đẩy nguồn cung trên thị trường thế giới phong phú, buộc các nước xuất khẩu gạo như Pakistan, Thái Lan, Việt Nam,... phải giảm giá để tăng tính cạnh tranh ở thị trường này.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) - chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới nhận định, hiện tại giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Myanmar từ 480 - 500 USD/tấn, Pakistan khoảng 500 - 510 USD/tấn. Vì vậy, việc Ấn Độ đưa ra giá sàn 490 USD/tấn khá sát với thị trường hiện tại, hạn chế tình trạng giảm giá ồ ạt. Tuy Ấn Độ mở cửa cho thị trường gạo trắng thông dụng, nhưng không mở tự do mà áp dụng giá sàn nên sẽ không có chuyện các thương nhân bán ra ồ ạt với giá rẻ. Doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi, nhất là trong bối cảnh nguồn cung của Việt Nam từ nay đến cuối năm không nhiều.
Theo các doanh nghiệp lúa gạo tại Việt Nam, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chiếm khoảng 40-45% tổng sản lượng của toàn thế giới. Khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng sẽ ảnh hưởng đến cung cầu của thế giới, nguồn cung dồi dào hơn.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đình Trọng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên nhiên King Green (Vua Gạo) - đơn vị đã trúng thầu hai lô gạo với sản lượng gần 60.000 tấn trong đợt mở thầu gạo tháng 9 vừa qua của Perum Bulog (Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia), cho biết, việc phân tích và dự đoán khả năng Ấn Độ mở cửa trở lại thị trường xuất khẩu đã cho thấy, ngành gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp.
"Mặc dù giá gạo thời điểm đó ở mức khá thấp, chúng tôi vẫn quyết định ký kết hợp đồng để bảo đảm đầu ra cho gạo Việt Nam. Nếu không, hợp đồng này có thể sẽ rơi vào tay các nước khác như Pakistan, Myanmar, gây khó khăn cho đầu ra của lúa gạo trong nước. Vì vậy, ban lãnh đạo Vua Gạo đã tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng" - ông Trọng chia sẻ.
Ông Trọng cũng cho biết thêm, mặc dù tình hình bão lũ thời gian qua đã gây ảnh hưởng đáng kể, nguồn cung lúa gạo trong nước vẫn duy trì ổn định. Khi Ấn Độ tái xuất khẩu, các dòng gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động mạnh, trong khi dòng gạo thơm ít chịu ảnh hưởng. Từ nay đến cuối năm, dự báo giá gạo thơm trong nước sẽ ổn định, không có biến động lớn. Đối với gạo dùng trong sản xuất, khả năng giá sẽ được điều chỉnh giảm theo cung cầu thị trường.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 538 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan là 500 USD/tấn, Pakistan là 493 USD/tấn, Ấn Độ là 492 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()