Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:38 (GMT +7)
Doanh nghiệp Việt và hành trình giữ vững chuỗi cung ứng trong dịch COVID-19
Thứ 2, 13/12/2021 | 17:01:04 [GMT +7] A A
Chủ động, linh hoạt ứng phó với từng diễn biến của dịch bệnh, duy trì mối liên kết chặt chẽ với người lao động, tính toán tăng tính tự chủ, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu… là các giải pháp căn cơ mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện để đảm bảo chuỗi cung ứng, vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19.
Sáng tạo trong sản xuất và tăng tự chủ nguyên liệu
Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng không ngoại lệ. Ông Bennet Neo, Tổng Giám đốc Sabeco cho biết, vào giai đoạn đỉnh dịch, Sabeco đã thực hiện “3 tại chỗ”. Hầu hết nhân viên đều làm việc tại nhà. Các cuộc họp để cập nhật tình hình COVID-19 được tổ chức hàng ngày, đảm bảo sự an toàn, tinh thần, sức khoẻ của hơn 13.000 nhân viên.
Đến nay, khoảng 72% nhân viên của Sabeco đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và 82% đã tiêm 1 mũi. “Chúng tôi đảm bảo giữ công việc của nhân viên, không ai bị sa thải cũng như không cắt giảm lương. Trong giai đoạn khó khăn này, việc sản xuất, chuỗi cung ứng vẫn liên tục, suôn sẻ”, ông Bennet Neo nói.
Đại diện Sabeco chia sẻ thêm, Sabeco có hệ thống 26 nhà máy trên khắp Việt Nam, trong đó có 60 nhà kho được hỗ trợ bởi đội ngũ xe tải chở hàng chuyên nghiệp. Ngoài ra, Sabeco cũng sử dụng rất nhiều hệ thống vận chuyển bằng xe lửa cũng như tàu thuỷ.” Chính sự đa dạng về nhà máy bia, kho hàng đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi đo gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của dịch COVI-19”, Tổng giám đốc Sabeco nói.
Cũng là ngành chịu tác động mạnh mẽ do dịch COVID-19, nhưng dự kiến cả năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 9 tháng năm 2021, Tập đoàn đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bù lại, năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn.
“Ngay khi có chủ trương sản xuất "3 tại chỗ" và “một cung đường hai điểm đến” vào tháng 5/2021, Tập đoàn đã đánh giá khả năng thực hiện, qua đó xác định ngành may về cơ bản không thể áp dụng 3 tại chỗ do công nhân đông, cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn khi bố trí ở lại, nếu bố trí ít thì cũng không giải quyết được đơn hàng. Do đó, tập đoàn tập trung vào ngành sợi – dệt có thể đáp ứng sản xuất "3 tại chỗ" đảm bảo được trên 80% sản lượng so với bình thường”, ông Vương Đức Anh cho hay.
Cùng với đó, lãnh đạo các doanh nghiệp của Tập đoàn đều xây dựng các phương án kinh doanh theo kịch bản bị cách ly theo chỉ thị 16, chỉ thị 15… Các phương án kinh doanh lựa chọn ưu tiên khách hàng, đơn hàng cần được bảo vệ, tổ chức các đơn hàng ngành sợi với sản lượng tối đa do ngành sợi đang có hiệu quả. Tổ chức cụm các doanh nghiệp sản xuất cùng loại mặt hàng để kịp thời chi viện cho nhau khi có mắt xích bị cách ly.
Lấy người lao động làm trung tâm
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, dịch COVID-19 tác động tới các doanh nghiệp của Tập đoàn khá lớn. Cả tập đoàn có 13 doanh nghiệp tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, một cung đường hai điểm đến... Cùng với đó, các doanh nghiệp đều thành lập các Tổ công tác phục hồi sản xuất do người đứng đầu doanh nghiệp phụ trách để xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh để đảm bảo cung ứng các hàng hóa không để thiếu hàng gây biến động thị trường đặc biệt là các đơn vị sản xuất nguyên liệu vật tư phòng chống dịch như nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng, oxy… Bám sát sự chỉ đạo của các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền để tích cực tham gia điều tiết, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng của Tập đoàn, đặc biệt là phân bón phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tổ chức lại thị trường, lập lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Tính đến nay, tập đoàn đã có hơn 15.000 người lao động của các đơn vị thuộc tập đoàn được tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19, điều này giúp ổn định tâm lý của cán bộ công nhân viên, yên tâm tổ chức sản xuất cũng như tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19", ông Bùi Thế Chuyên cho hay.
Nhờ vậy, kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2021 duy trì được tăng trưởng khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện đạt 47.180 tỷ đồng, tăng 25,5% so với thực hiện năm 2020, bằng 111,9% so với kế hoạch; Doanh thu ước thực hiện đạt 49.578 tỷ đồng tăng 20,4% so với thực hiện năm 2020, bằng 112,5% so với kế hoạch; Lợi nhuận ước thực hiện đạt 859,1 tỷ đồng.
Còn với ngành cần nhiều lao động như dệt may, ông Vương Đức Anh cho biết, Vinatex duy trì được đà phát triển là nhờ ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động, duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Một số đơn vị thuộc Vinatex ở phía Nam có tới 35.000 lao động, trong giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng vào quý 3/2021, việc áp dụng “3 tại chỗ” khá khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải quyết định cho ngừng việc hẳn để đảm bảo an toàn, sau đó mới quay trở lại sản xuất.
“Nhờ các doanh nghiệp duy trì liên kết chặt chẽ với người lao động, hiện tại, tỷ lệ huy động lao động quay trở lại làm việc của toàn Tập đoàn đã đạt 95%. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của toàn Vinatex đạt 90%, mũi 2 đạt 85%. Đây là những điểm hỗ trợ rất quan trọng giúp Tập đoàn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt năm nay”, ông Vương Đức Anh cho hay.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử được các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()