Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:24 (GMT +7)
Hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp vận tải lắp camera giám sát
Thứ 2, 06/12/2021 | 14:43:07 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 9 chỗ phải lắp đặt camera giám sát hành trình theo Nghị định 10/CP của Chính phủ trước ngày 1/1/2022. Để đảm bảo triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, Sở GTVT Hà Nội đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành lắp đặt thiết bị này trước ngày 31/12.
Hướng dẫn đến từng doanh nghiệp
Nghị định 10/2020/CP của Chính phủ quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình vận tải trước ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn đến ngày 31/12/2021.
Theo quy định, thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu là 24 giờ gần nhất với xe tham gia giao thông trên hành trình đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình trên 500 km.
Theo ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đến thời điểm này, tỷ lệ phương tiện lắp camera của các doanh nghiệp vẫn đạt thấp, khoảng gần 20% tổng số xe. Vì vậy, để đảm bảo đúng tiến độ, Sở GTVT Hà Nội đã giao các Đội Thanh tra giao thông đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai lắp và xây dựng phương án kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua đó, chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải không thực hiện.
Điều 8 Thông tư 12/2020/BGTVT quy định, camera giám sát hành trình lắp trên xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như: Phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật khi lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, phải có chức năng ghi, lưu trữ dữ liệu video tại camera và an toàn dữ liệu khi bị mất nguồn điện, đảm bảo dữ liệu không bị mất, không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định để truyền dữ liệu về máy chủ.
Qua tìm hiểu, hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải lớn sắp hoàn thành tiến độ lắp camera. Đơn cử, Công ty TNHH Logistics Xuất nhập khẩu có 80 đầu xe phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10/CP. Từ ngày 10/11, doanh nghiệp đã ký hợp đồng hoàn thiện lắp đặt camera giám sát theo quy định. Dự kiến đến ngày 12/12, doanh nghiệp sẽ lắp hết camera giám sát cho các phương tiện, nhằm góp phần nâng cao ý thức của lái xe. Song, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp mong được hỗ trợ chi phí đường truyền hàng tháng để giảm bớt khó khăn.
Hay Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến hiện cũng đã lắp camera cho gần 70% đầu xe. Còn khoảng 30% số xe chưa lắp, doanh nghiệp cam kết đến ngày 15/12 sẽ hoàn thành theo quy định…
Sau 31/12, xe kinh doanh vận tải không lắp camera sẽ bị phạt
Bộ GTVT vừa yêu cầu Thanh tra Bộ; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; sở GTVT các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66/CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đây là lần thứ 4 Bộ GTVT đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ.
"Các Sở GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ", Bộ GTVT yêu cầu.
Đối với bến xe khách, bến xe hàng, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Bên cạnh đó, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT giao Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ Vận tải kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp.
Nghị định 100/2019/CP của Chính phủ quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm quy định về việc lắp camera như sau: Đối với lái xe: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()