Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 18:01 (GMT +7)
Doanh nhân Cao Hồng Vân và hành trình xây dựng thương hiệu mắm sá sùng Vân Đồn
Chủ nhật, 30/10/2022 | 07:52:09 [GMT +7] A A
Gần 10 năm qua, thương hiệu "Nước mắm sá sùng Vân Đồn Vanbest" không còn xa lạ với người tiêu dùng ở cả trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Và người giữ lửa cho thương hiệu này là doanh nhân Cao Hồng Vân (SN 1976) - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Newstar (phường Hồng Hà, TP Hạ Long). Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương song với sự gắn bó, tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất miền biển Quảng Ninh, chị đã quyết tâm, bền bỉ trên hành trình tiên phong xây dựng và nâng tầm thương hiệu mắm sá sùng Vân Đồn, với mong muốn gìn giữ giá trị tinh túy của biển, đưa sản phẩm đặc sản, chất lượng của Quảng Ninh đi khắp mọi miền.
Cơ duyên đặc biệt
Chị Cao Hồng Vân vốn được biết đến là một doanh nhân rất mát tay trong kinh doanh lĩnh vực may mặc suốt 20 năm qua và đến hiện tại, những sản phẩm may mặc của Công ty TNHH MTV Newstar vẫn tạo được chỗ đứng uy tín trên thị trường. Điều này khiến không ít người đều thắc mắc cơ duyên nào đã đưa chị đến với việc sản xuất nước mắm – một lĩnh vực khác biệt hoàn toàn?
Chia sẻ về điều này, chị cho biết, chính từ sự thành công trên lĩnh vực may mặc mà chị ấp ủ một dự án nhỏ là tạo ra những sản phẩm quà tặng độc đáo, chất lượng để thay lời cảm ơn, tri ân các đối tác, bạn bè. Biết đến sá sùng là sản vật quý của vùng biển Quảng Ninh, đặc biệt giàu chất dinh dưỡng, từ đó chị nảy ra ý tưởng sản xuất nước mắm từ sá sùng để có thể tạo ra hương vị nước mắm ngọt tự nhiên, an toàn với sức khỏe để sử dụng và dành tặng đối tác, người thân.
Nghĩ là làm, mặc dù chưa có kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất nước mắm, chị Vân bắt tay ngay vào việc tìm đọc, mày mò nghiên cứu tài liệu. Hơn một năm ròng rã, chị đi khắp nơi từ miền Bắc tới miền Nam học hỏi kinh nghiệm của các công ty, cơ sở sản xuất mắm truyền thống và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh học hỏi công nghệ hóa thực phẩm, phòng tránh các rủi ro trong sản xuất thực phẩm… để đưa ra được công thức làm mắm sá sùng riêng của mình.
“Thật sự đó là khoảng thời gian vất vả, gian nan và nhiều thử thách đối với tôi. Trừ lúc ăn, ngủ thì lúc nào tôi cũng có mặt ở phòng thí nghiệm để nghiên cứu, thử nghiệm công thức. Mùi mắm ám vào quần áo, đầu tóc đến mức đi đến đâu mọi người cũng bảo tôi có mùi mắm” – chị Vân nhớ lại.
Đối với vị doanh nhân này, mục đích thương mại không phải đích đến đầu tiên khi sản xuất nước mắm sá sùng. Song sau khi nhận được những phản hồi tích cực, sự yêu mến của bạn bè, đối tác khi sử dụng sản phẩm quà tặng và đã gợi ý chị Vân sản xuất số lượng lớn để mua cho cơ quan làm quà tết cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị, đã thôi thúc chị Vân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Chị bộc bạch: “Là một doanh nhân song cũng là người phụ nữ trong gia đình, người giữ lửa căn bếp nên tôi thấu hiểu để mỗi món ăn đậm đà, mỗi bữa cơm thêm trọn vị thì nước mắm là một gia vị không thể thiếu. Vì vậy, tôi mong muốn mang đến cho đông đảo người tiêu dùng một sản phẩm nước mắm chất lượng, an toàn tuyệt đối. Đồng thời, góp sức đưa đặc sản của Quảng Ninh đến thật nhiều vùng miền trên toàn quốc và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài”.
Những cơ duyên ấy đã trở thành động lực để năm 2018, chị Vân quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến mắm sá sùng Vân Đồn để sản xuất thương mại với kinh phí trên 50 tỷ đồng tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), nhằm tận dụng nguồn thủy sản dồi dào, tươi ngon từ chính địa phương làm nguyên liệu sản xuất mắm.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, chỉ lên những bình Inox 316 ủ mắm nằm phơi trên sườn đồi và hệ thống lọc, chị bảo: Mục tiêu đầu tiên là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Vì thế, mắm sá sùng Vân Đồn thương hiệu Vanbest được sản xuất với sự kết hợp giữa công thức truyền thống với công nghệ hiện đại. Chúng tôi áp dụng phương pháp đánh đảo, phơi nắng, lên hương tự nhiên, nguyên liệu chủ yếu từ cá cơm tươi, cá thu, tép moi và sá sùng… trộn với muối biển, ủ lên men hoàn toàn tự nhiên từ 12 tháng trở lên. Đặc biệt, mắm không sử dụng hóa chất, không có tạp chất, mà có mùi thơm đặc trưng của mắm truyền thống, có vị mặn nhưng không gắt, hậu vị ngọt của đạm cá và sá sùng.
Niềm tin với sản phẩm mang hồn cốt địa phương
“Nghề mắm truyền thống của Vân Đồn đã nổi tiếng từ rất lâu rồi, nó đã gắn liền với những làng chài, ngư dân ở nơi đây từ bao đời nay. Tuy không phải là người dân Vân Đồn, sinh và lớn lên trong mùi cá, mùi muối nhưng tôi tin với tình yêu, niềm trân trọng, tâm huyết của mình với sản phẩm truyền thống của địa phương, tôi sẽ làm thật tốt vai trò của thế hệ đi sau để chung tay phát triển sản phẩm tinh hoa của người dân huyện đảo Vân Đồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại” – chị Vân tâm sự.
Kinh doanh thu về bao nhiêu, chị lại tiếp tục tái đầu tư và nâng cấp trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Nhà máy chế biến nước mắm Vân Đồn của chị không có cổ đông góp vốn, nhân công cũng hầu hết là người dân địa phương. Bởi với chị Vân, nước mắm sá sùng Vân Đồn không chỉ là một loại gia vị mà là cả câu chuyện về văn hóa, về nghề làm mắm ở Vân Đồn, về sự tâm huyết, trân trọng của chính chị gửi gắm trong từng sản phẩm mang thương hiệu địa phương.
Mắm sá sùng Vân Đồn của Công ty TNHH MTV Newstar đã được đăng ký và kiểm định của cơ quan quản lý ATVSTP và các tiêu chuẩn ISO Quốc tế như: ISO 22000; ISO 14000; SA 8000; HACCP định hướng tốt nhất cho chất lượng sản phẩm dựa trên cơ sở phân tích mối nguy hại và các điểm kiểm soát trọng yếu. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt, tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm đã rất thành công trong việc xử lý dẫn chất Histamin (tác nhân gây dị ứng từ hải sản) xuống dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Codex Quốc tế, làm cho sản phẩm rất an toàn khi sử dụng cho người già, trẻ nhỏ, đủ điều kiện khắt khe nhất để xuất khẩu chính ngạch sản phẩm đi các quốc gia phát triển.
Đến nay, trung bình mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 40.000 lít nước mắm. Sản phẩm hiện đã đăng ký nhãn hiệu thành công tại 16 quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc, EU… Cùng với chiến lược phát triển lâu dài trong những năm tới, sản phẩm của Vanbest đang dần có mặt rộng khắp trên thị trường Việt Nam và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa gia vị Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2020, sản phẩm đã vinh dự đạt top 10 thương hiệu dẫn đầu và năm 2021 đạt top 10 nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao tặng.
Là người không ngừng sáng tạo, luôn tìm tòi những ý tưởng mới, vì vậy, ngoài sản phẩm mắm sá sùng, năm 2021, chị Vân tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm muối tôm sấy và muối tôm sá sùng Phú Trang chuyên dùng cho nấu và nêm nếm món ăn. Đây là sản phẩm muối duy nhất trên thị trường được sản xuất từ muối kết tinh trong quá trình tách nước ra khỏi nước mắm sá sùng Vân Đồn để tăng đạm nước mắm tự nhiên. Từ đây, một hàm lượng muối không thể bão hòa trong nước mắm dư ra chứa sẵn một lượng đạm nhất định từ cá biển và có vị mắm. Nguồn muối này được chế biến thêm bột tôm và sá sùng nên có vị thơm, ngon ngọt tự nhiên phù hợp cho các món luộc, nấu nước dùng mà không cần dùng thêm các gia vị tạo ngọt. Sản phẩm cũng đã được công nhận OCOP 4 sao.
Những nỗ lực không mệt mỏi trong quản lý và điều hành doanh nghiệp của doanh nhân Cao Hồng Vân đã góp phần đưa Công ty TNHH MTV Newstar nhận được những giải thưởng cao quý, như: Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn; Siêu cúp thương hiệu nổi tiếng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và phát triển cộng đồng; Cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Chị Vân cũng ghi danh với những danh hiệu, giải thưởng đáng tự hào như: Bảng vàng Doanh nhân Đại Việt năm 2010, 2011; Danh hiệu Bông Hồng Vàng - Nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc năm 2013; Bảng vàng lưu danh vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh; Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình và Doanh nhân Sao đỏ năm 2014; nhiều năm được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()