Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 02:44 (GMT +7)
Độc đáo lễ Ban Sóc triều Nguyễn: Tham chiếu cả lịch phương Tây
Thứ 7, 31/12/2022 | 12:47:31 [GMT +7] A A
Dưới triều Nguyễn, việc làm lịch không chỉ tham khảo lịch Trung Quốc mà còn tham chiếu cả lịch phương Tây nên bộ lịch bấy giờ được soạn ra phù hợp và chính xác hơn.
Vào ngày 1/1/2023, tại Ngọ môn Huế sẽ diễn ra nghi thức tái hiện lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới) triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện.
Lịch của Khâm Thiên Giám
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: Là một trong những cơ quan khoa học tự nhiên, Khâm Thiên Giám được lập ra dưới thời Gia Long (1802-1819) giữ chức năng xem thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch...
Nhưng công sở chính thức tại Khâm Thiên Giám đến năm 1826 mới được xây dựng ở phía tây nam Kinh Thành, đến năm 1918 lại được chuyển đến khu vực bên cạnh bộ Học.
Phục vụ trực tiếp đến các công việc hàng ngày ở đây, triều đình đã cấp cho Khâm Thiên Giám gần 15 bộ sách về thuật số, phong thuỷ, vật lý... cùng gần 40 dụng cụ liên quan đến việc xác định, đo lường như ống ngắm, bàn xem hướng gió, dụng cụ đo bóng mặt trời...
Tất cả những thiết bị tối thiểu này phục vụ một cách đắc lực cho những việc như làm lịch, xem giờ, báo giờ, chọn ngày giờ, dự đoán thời tiết... vào thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa mấy phát triển.
Chính tại nơi đây, các cuốn lịch hàng năm được ra đời và phân phối rộng khắp từ triều đình, hoàng gia, quần thần cho đến nhân dân cả nước.
Trước thời Nguyễn, việc làm lịch của nước ta chủ yếu căn cứ vào phép làm lịch của Trung Quốc, như thời Lê, lịch Đại Việt của ta tham khảo lịch Đại Thống của nhà Minh (Trung Quốc), lúc này tên gọi là Lịch Vạn Toàn.
Tuy nhiên đến thời Gia Long, từ năm 1810 trở đi, triều Nguyễn giao cho Khâm Thiên Giám tham khảo sách Đại Thanh Lịch Tương Khảo Thành (do Nguyễn Hữu Thận đi sứ Trung Quốc mang về) đồng thời tham chiếu cả lịch phương Tây nên bộ lịch bấy giờ được soạn ra phù hợp và chính xác hơn.
Theo quy định của triều đình, đến tháng 2 âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm sau. Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành.
Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hoà, phía bắc đến Thanh Hoá. Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định và Hà Nội phụ trách cấp phát lịch. Tất nhiên mẫu lịch đều do Khâm Thiên Giám cung cấp.
Năm 1807, vua Gia Long ban chiếu chỉ rằng: “Gia Định, Bắc Thành hàng năm ban lịch, lính trạm dân phu đài đệ khó nhọc, đường xá xa xôi, nên việc ban phát chưa rộng. Từ nay, hằng năm, thượng tuần tháng 5, chọn hai viên đến Kinh lĩnh bản thảo đêm về theo mẫu khắc in ra, Gia Định 13.001 quyển, Bắc Thành 20.000 quyển”.
Tất nhiên, sau khi in xong, một quyển trong số này được chọn để làm mẫu đưa lên Khâm Thiên Giám duyệt lại mới được lưu hành.
Quốc hiệu Đại Nam trên lịch triều Nguyễn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, vào năm 1812, triều Nguyễn quyết định đổi tên lịch Vạn Toàn thành lịch Hiệp Kỷ. Và trong một số cuốn lịch còn lưu lại đến ngày nay, quốc hiệu đất nước vẫn còn khắc rõ hai chữ Đại Nam mặc dù quốc hiệu Việt Nam đã có từ năm 1804.
Chính vua Minh Mạng đã từng cho đổi lại quốc hiệu khi ra chỉ dụ rằng: “Trước xưng là Việt Nam, nay xưng là Đại Nam danh nghĩa đều rõ, mà chữ Việt đã cũng có trong nghĩa chữ ấy [Đại] rồi”, do vậy từ đầu năm 1839 quốc hiệu Đại Nam đã được in vào lịch và ban hành.
Quốc hiệu này đã duy trì liên tục qua các triều vua đến triều Bảo Đại trên các cuốn lịch cũng như các văn bản hành chính.
Thông thường, một cuốn lịch có kích thước khoảng 15,5 x 24cm in trên các loại giấy như giấy nguyên giáp, giấy sơn bổi đều là những loại giấy gió với chất lượng khác nhau, tuỳ theo loại lịch mà in.
Ngự lịch chỉ dùng cho vua, long lịch, phượng lịch dùng cho các miếu, điện trong Hoàng gia, quan lịch cấp cho các quan và cuối cùng là công lịch phát cho dân.
Tất nhiên, nội dung của các loại lịch này giống nhau về những điểm chủ yếu, còn hình thức có nhiều điểm khác nhau.
Loại Ngự lịch có bìa bằng lụa vàng thêu hoa văn long vân, mặt giữa có thêu hoặc viết hai chữ Ngự lịch. Các loại lịch khác như quan lịch, công lịch thì dùng bìa vàng giấy cứng, chỉ in chữ bìa màu đỏ...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()