Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 12:22 (GMT +7)
Độc đáo những pho tượng đất ở chùa Mỹ Cụ
Chủ nhật, 04/07/2021 | 10:36:10 [GMT +7] A A
Theo sử sách ghi lại, vào thời kỳ thiền phái Trúc Lâm phát triển cực thịnh (thế kỷ XIV), có khoảng 800 ngôi chùa lớn nhỏ được xây dựng, trong đó có chùa Mỹ Cụ ở phường Hưng Đạo (TX Đông Triều). Không chỉ là nơi thờ Phật, điểm tham quan, vãng cảnh, chùa Mỹ Cụ còn có những pho tượng Phật bằng đất với những giá trị văn hóa lịch sử và giá trị nghệ thuật độc đáo.
Tại chùa Mỹ Cụ có nhiều tượng Phật như các tượng A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, tượng Nam Tào Bắc Đẩu, tượng Đức thánh hiền, tượng Hộ pháp, tượng Đức ông, Địa tạng, Sơn thần… bằng đất. Các pho tượng này đều được tạo tác từ đất với dáng vẻ, kích thước cân đối, hài hòa, bên ngoài tượng được phủ sơn son thếp vàng mà nhìn qua khó biết tượng đất hay tượng gỗ. Mỗi một pho tượng ở đây cho thấy đôi bàn tay tài hoa và sức sáng tạo của người nghệ nhân.
Trong các tượng trên, tượng Phật A Di Đà có kích thước lớn nhất. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ văn hoá phường Hưng Đạo, tượng cao 1,5m, niên đại thời Nguyễn, đắp bằng đất, trấu, mật mía. Đây là pho tượng còn khá nguyên vẹn. Từ màu sắc, hình khối tới dáng vẻ, các nếp gấp của các y phục, gương mặt… đều hài hòa, đạt giá trị thẩm mỹ.
PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết, các tượng đất có từ thế kỷ XVIII nhưng phát triển chủ yếu dưới thời Nguyễn, thế kỷ 19 và 20, để đáp ứng nhu cầu tâm linh thời bấy giờ. Về tượng đất ở chùa Mỹ Cụ, tính chất dân gian rất rõ rệt. Những người đắp tượng đã làm tượng không theo bài bản, hay quy định cụ thể nào của tôn giáo, tín ngưỡng, mà làm theo mẫu sẵn. Song hầu hết lại không làm y nguyên mẫu mà có sự sáng tạo, do đó đã tạo nên cho các pho tượng này có vẻ đẹp "đột ngột", và điều này chính là vẻ đẹp của lịch sử, chúng ta cần phải tôn trọng.
Cũng theo PGS.TS Trần Lâm Biền thì hầu hết các bức tượng được đắp là đất sạch, được lấy từ ruộng sạch, vì cửa Phật là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh. Sau khi đất đào lên đem phơi thật khô, đập nhỏ thành bột, sàng lọc kỹ, khi bột đất đã mịn, thật mát tay mới dùng làm tượng. Bột đất sét được nhào trộn với nước vôi, rễ si, mật mía, giấy bản, mùn cưa, vỏ trấu. Sau khi định hình tượng các khối cơ bản, các nghệ nhân mới bắt đầu đi sâu diễn tả, gọt tỉa các chi tiết, đánh bóng các mảng khối của tượng Phật. Chính quy trình làm nên những bức tượng vô cùng tỉ mẩn như vậy nên nếu không có sự tàn phá của thiên nhiên hoặc con người thì những pho tượng bằng đất đều có độ bền gần như là vĩnh cửu đối với thời gian.
Chùa Mỹ Cụ đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2000. Theo văn bia cổ lưu giữ tại chùa, thì chùa Mỹ Cụ trải qua nhiều lần tôn tạo vào các năm 1741, 1800, 1819, 1858, 1899. Hiện chùa còn lưu giữ được 126 hiện vật có giá trị, trong đó có những hiện vật mang giá trị về nghệ thuật điêu khắc.
Theo sư thầy Thích Tịnh Hòa, trụ trì chùa Mễ Cụ, các pho tượng tại chùa Mỹ Cụ đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Có những chỗ bị chuột đục, nhà chùa đã tạm bồi đắp lại để chuột không đào hang. Hy vọng chính quyền, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp trùng tu, tôn tạo để bảo tồn các pho tượng bằng đất còn lại ở chùa Mỹ Cụ.
PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, việc tu bổ các pho tượng bằng đất chỉ có thể sửa bằng chính các đất luyện. Những người tham gia vào quá trình tu bổ phải có trách nhiệm nghiên cứu chất đất để làm tương đồng với những pho tượng cũ, thể hiện được đường nét nghệ thuật, có sự thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn và tỉnh Quảng Ninh thì luôn làm rất tốt những điều này.
Phạm Hồng
Liên kết website
Ý kiến ()