Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:15 (GMT +7)
Đọc lại lá thư của Bác Hồ gửi học sinh
Chủ nhật, 28/08/2022 | 07:09:12 [GMT +7] A A
Ngày 5/9 tới đây, hàng triệu học sinh, cán bộ, giáo viên ngành giáo dục trên cả nước, trong đó có Quảng Ninh sẽ bước vào năm học mới với bao niềm hân hoan, chờ đợi và cả những quyết tâm, kỳ vọng cho một năm học nhiều kết quả thắng lợi.
Mặc dù khai giảng vào ngày 5/9 đã trở thành một suy nghĩ quen thuộc của mọi người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết lý do gì mà ngày 5/9 được chọn là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Cùng nhìn lại lịch sử, 77 năm trước, ngày 5/9/1945 - tức ba ngày sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945-1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức thư là tâm huyết của Bác Hồ đối với học sinh cả nước, thể hiện muôn vàn tình thân yêu, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.
Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác đã hòa chung niềm vui với học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học mới: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.
Trọng tâm của bức thư, Bác Hồ căn dặn: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đoạn cuối bức thư, Bác viết: “Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.
Có thể thấy, giữa lúc nước nhà vừa được độc lập, còn muôn vàn công việc cần giải quyết nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức quan tâm đến giáo dục bởi Người thấy rằng tương lai của đất nước là từ đây.
Sinh thời, những lần về thăm Quảng Ninh, những dịp gặp gỡ, nói chuyện với đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng, quan tâm đến việc học tập của học sinh. Những nhân chứng thời thiếu niên, nhi đồng từng được vinh dự tặng hoa Bác Hồ như các bà Bùi Thị Tỉnh, Bùi Thị Nghĩa... hiện đang sinh sống trên địa bàn TP Hạ Long vẫn còn nhớ như in những lời hỏi thăm ân cần của Bác về sức khoẻ, về học tập. Tháng 2/1960, trong chuyến thăm tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ đã tới thăm thầy cô giáo và học sinh Trường cấp I, II Móng Cái, Trường Tiểu học - Trung học Hoa Văn, chia kẹo cho học sinh người Việt, người Hoa.
Gần 80 năm đã trôi qua, những lời căn dặn trong bức thư của Bác Hồ vẫn như còn nồng ấm, thiết tha trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Người, tỉnh Quảng Ninh đã và đang hết sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, coi phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh để đưa Quảng Ninh phát triển.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()