Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:39 (GMT +7)
Độc lập dân tộc phải luôn gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân
Thứ 6, 01/09/2023 | 19:00:08 [GMT +7] A A
Độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân mãi mãi gắn liền với nhau như đôi cánh nâng đất nước Việt Nam yêu dấu bay cao, vươn xa, cùng nhân loại tiến về phía trước.
Lịch sử dân tộc mãi mãi khắc ghi ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay). Chẳng phải ngẫu nhiên khi mở đầu áng hùng văn bất hủ ấy, Người đã trích dẫn ngay Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng không có mục đích nào khác ngoài mục đích mang lại độc lập tự do cho đất nước, quyền lợi cho nhân dân. Mục đích ấy đã được ghi rõ trong bản Luận cương chính trị của Đảng tháng 10 năm 1930 mà đúng ba mươi năm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ràng: "Thấm nhuần chủ nghĩa Marx-Lenin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình".
Tuy nhiên, cần phải nói rõ, ở Việt Nam, những người đầu tiên giương cao ngọn cờ chống giặc Pháp xâm lược là các vị vua ái quốc và sĩ phu Nho học yêu nước. Từ phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi lãnh đạo đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy là một chặng đường chống giặc bi tráng, dài lâu nhưng cuối cùng đều thất bại. Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lịch sử khi giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân để giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, xóa bỏ chế độ cũ và thiết lập, xây dựng nên chế độ mới, cuộc sống mới tiến bộ hơn. Tính cách mạng và nhân văn thể hiện ở đó. Trải qua rất nhiều sóng gió thời cuộc, điều ấy vẫn chẳng mảy may thay đổi, có sự chuyển dịch về sách lược, chiến thuật nhưng mục tiêu cao cả của con đường do Đảng và Bác Hồ lựa chọn vẫn giữ nguyên theo tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mục tiêu cách mạng, nói ngắn gọn lại vẫn là "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Xin được nhắc lại, độc lập dân tộc phải được gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu như đã nói ở trên nhưng cũng là nguyên tắc bất di bất dịch của Cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới vấn đề cốt tử này. Từ năm 1946, Bác đã chỉ ra rằng: "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Bác mong muốn: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân". Người còn căn dặn cán bộ ta: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân…" hay "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh…"
Hạnh phúc của nhân dân, không gì khác cả, đó chính là ham muốn, ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh: Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Diễn đạt rộng hơn thì mỗi người dân thực sự trở thành một chủ nhân của chế độ mới, còn cán bộ chính quyền phải thực sự là công bộc của dân. Họ phải lo nỗi lo của dân, khổ nỗi khổ của dân, đau nỗi đau của dân và luôn hết lòng vì nhân dân phục vụ. Chính quyền cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa, không phải là thứ bánh vẽ rực rỡ hay khẩu hiệu sang sảng dùng để mị dân. Các tầng lớp nhân dân trong xã hội theo Đảng làm Cách mạng tháng Tám và kháng chiến sau này với niềm tin Đảng Cộng sản Việt Nam không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của dân tộc.
Cách mạng tháng Tám tỏa sáng vào dân tộc khát vọng Việt Nam được sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. Những giá trị mang ý nghĩa nhân loại là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cũng chẳng hề xa lạ với dân tộc Việt Nam. Chỉ tiếc là giá như những nước mà Hồ Chí Minh trích chọn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng tiến bộ và nhân văn trên thấu hiểu lịch sử văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam thì chắc chắn sau mùa thu năm 1945 ấy, nhân dân Việt Nam không phải ghi vào lịch sử của mình hai cuộc kháng chiến yêu nước, anh hùng.
Chúng ta tự hào với những chiến công kỳ tích trong chiến đấu, giải phóng bảo vệ Tổ quốc và các thành tựu to lớn, quan trọng của công cuộc dựng xây đất nước.
Vẫn phải nói rằng, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành lại hòa bình, thống nhất cho đất nước. Vẫn phải nói rằng, dân tộc Việt Nam đã ngoan cường và khéo léo chống lại sự bành trướng xâm lược để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Vẫn phải nói rằng, dân tộc Việt Nam đã cử một "đội quân Nhà Phật" sang cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ vô cùng khủng khiếp trong thế kỷ XX.
Và, cũng khẳng định lại rằng từ một đất nước có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, đến nay, qua hành trình đổi mới cương quyết, cùng sự sáng tạo không ngừng, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, nhân dân nhìn chung có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp khoảng 12 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 29,5 lần đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia có nền kinh tế dẫn đầu thế giới về thương mại; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần…
Mặc dù, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Sau bao nỗ lực, Việt Nam trở thành hình mẫu, điểm sáng, câu chuyện hay của công cuộc xóa đói giảm nghèo vô cùng gian nan, có sức lan tỏa, truyền cảm với nhiều nước. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, câu nói đó không phải là chuyện đầu môi chót lưỡi mà trở thành hiện thực sống động đầy sức thuyết phục. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Những con số ấy đủ sức chinh phục các hoài nghi và đánh đổ các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù hận.
Tuy vậy, chúng ta chưa hề thỏa mãn với những gì đã đạt. Những mảng tối trong xã hội Việt Nam vẫn chưa mất đi. Đối chiếu với những lời Bác Hồ căn dặn, những đảng viên cán bộ chân chính không khỏi xót lòng khi phải chứng kiến sự xuống cấp của đạo đức xã hội bây giờ cùng quốc nạn tham nhũng đã gây ra nhiều hậu quả cho đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền. Như các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cuộc chiến chống tham nhũng không thể không dựa vào dân. Dân mới đủ trăm tay nghìn mắt, dân mới có trăm phương nghìn kế, dân mới hội tụ được những sức mạnh vô tận để tiêu diệt giặc nội xâm có tên là tham nhũng.
Cách mạng tháng Tám cho ta bài học về sức mạnh của nhân dân. Khi nhân dân đã đồng lòng, quyết chí thì không một thế lực nào, kẻ thù nào có thể tác oai tác quái được. Phải đưa tinh thần Cách mạng tháng Tám vào công cuộc chống giặc nội xâm hôm nay. Đó là, phải hết sức tin dân, trọng dân, dựa vào dân để chống tham nhũng. Khi nhân dân đồng lòng thì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhất định sẽ thành công.
Một đất nước phát triển, một xã hội trong sạch, một chế độ dân chủ là ước mong của nhân dân ta. Người dân Việt Nam thực sự có hạnh phúc ngay trên Tổ quốc mình khi những điều đó trở thành hiện thực. Độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân mãi mãi gắn liền với nhau như đôi cánh nâng đất nước Việt Nam vô cùng yêu dấu bay cao, vươn xa, cùng nhân loại tiến về phía trước.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()