Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:42 (GMT +7)
Đôi điều về Bộ Quy tắc ứng xử "Nụ cười Hạ Long"
Chủ nhật, 08/11/2015 | 06:41:50 [GMT +7] A A
Ngày 20-10-2015, UBND tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” (sau đây xin gọi tắt là Bộ Quy tắc). Đây là việc làm thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của tỉnh nhằm từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, để Quảng Ninh thực sự là “nơi đáng sống” là “nơi cần đến”. Nội dung Bộ Quy tắc đề cập khá tỉ mỉ và cụ thể những hành vi mà các nhóm đối tượng (cán bộ, công chức; doanh nghiệp du lịch; người dân và cộng đồng địa phương; khách du lịch) cần thực hiện. Về cơ bản, đó đều là những quy định mang tính nguyên tắc, thể hiện tính văn hoá trong giao tiếp xã hội, nhất là trong lĩnh vực hoạt động du lịch. Và cũng có thể nói, việc xây dựng và đưa vào thực hiện Bộ Quy tắc này cũng chính là nhằm cụ thể hoá Chương trình “Nụ cười Hạ Long” mà tỉnh đã phát động từ năm 2014.
Với mục tiêu như vậy, việc xây dựng Bộ Quy tắc là rất cần thiết; thậm chí đây có thể coi là một bước chuyển quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về văn hoá, văn minh du lịch.
Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của chúng tôi, một bộ quy tắc càng điều chỉnh nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đời sống, càng liên quan đến nhiều đối tượng, với trình độ nhận thức, văn hoá rất khác nhau, thì càng cần phải thể hiện tính nhất quán, cô đúc; nếu không sẽ rơi vào tình trạng liệt kê dài dòng, trùng lặp, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể nêu ra một cách cụ thể từng chi tiết để chứng minh, nhưng nếu đọc kỹ nội dung Bộ Quy tắc, chắc chắn sẽ nhận ra điều đó. Chẳng hạn như có những hành vi mà pháp luật đã điều chỉnh (ví dụ mua ma tuý, mại dâm v.v..) thì có cần thiết đưa vào Bộ Quy tắc? Hay như quy định: Không nên “cho tiền trẻ em, người ăn xin” liệu đã chặt chẽ chưa nếu xét về mặt câu chữ, diễn đạt, nhất là trong một văn bản mang tính “quy tắc” như thế này? v.v.. Nói cách khác, đã gọi là một “Bộ quy tắc ứng xử” thì nó phải ngắn gọn, cụ thể nhưng phải nhất quán, có tính khái quát cao; cái gì đã được đề cập trong các quy định pháp luật hay trong các bộ quy tắc khác do Nhà nước ban hành thì không cần nêu lại chi tiết; bởi nếu cần sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện với từng nhóm đối tượng…
Và một điều nữa mà chúng tôi thấy cũng rất phân vân, rằng đã gọi là “quy tắc” thì có nên định ra những hành vi “nên” và “không nên” làm? Bởi quy tắc, bản thân nó đã mang ý nghĩa là: “Những điều quy định mọi người phải (chúng tôi nhấn mạnh) tuân theo trong một hoạt động chung nào đó” (theo Từ điển Tiếng Việt). Trong khi “nên” hoặc “không nên” chỉ mang ý nghĩa như một lời khuyên…
Trên đây là đôi điều suy nghĩ về Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” vừa mới được ban hành. Và vì như đã nói ở trên, đây là một bộ quy tắc mang ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu Quảng Ninh, tôn vinh nét đẹp văn hoá Quảng Ninh, nên trong quá trình triển khai, Bộ Quy tắc càng cần được bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn chỉnh hơn, để phát huy hơn nữa tác dụng, hiệu quả của nó trong thực tiễn.
Trung Luận[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()