Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:13 (GMT +7)
Đổi mới cơ chế, xác định rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong tiếp dân, giải quyết KNTC
Thứ 3, 23/05/2023 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Ngày 23/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 36-CT/TU, ngày 20/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 20/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” gắn với Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân…, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gắn với phòng chống tham nhũng tiêu cực ở trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí với sự quyết liệt, bài bản trong chỉ đạo, cũng như tổ chức triển khai. Người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tăng cường trách nhiệm trong tiếp công dân, đối thoại, xử lý phản ánh kiến nghị của nhân dân. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong công tác tiếp công dân, trực tiếp đối thoại với người dân đã tạo ra sức lan tỏa lớn, tăng cường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Quảng Ninh cũng đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, các cơ quan dân cử, UBND các cấp, các sở, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông... đều vào cuộc để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc từ xa, từ sớm, từ cơ sở liên quan tới khiếu nại tố cáo. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 36, cũng như các văn bản của Trung ương, của tỉnh tới nay đều đạt được, nhất là việc người dân đồng thuận, ủng hộ các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm. Những kết quả trên cũng được minh chứng rõ nét khi Quảng Ninh hội tụ sự hài lòng của cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp khi đạt được vị trí dẫn đầu cả nước về các chỉ số: PAPI, PAR Index, SIPAS và PCI.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề xuất ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 36; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện công khai kết quả giải quyết khiếu nại; nâng cao chất lượng tổ hòa giải ở cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, MTTQ các cấp: nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ thanh tra cấp huyện. Cùng với đó, phải thực hiện hiệu quả 3 tăng: Tăng tính tự giác, sự gương mẫu, nhận thức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên. Đồng thời thực hiện 3 giảm: Giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mới, phát sinh vụ việc mới; giảm số đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức không tự kiểm tra, tự phát hiện, tự xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giảm số vụ việc chậm xem xét, giải quyết, chất lượng hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục. 3 không: Không được để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây dư luận bức xúc; không được để xảy ra mất đoàn kết nội bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị toàn tỉnh; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thờ ơ, vô cảm đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Thống nhất với các ý kiến thảo luận, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với Chỉ thị 36, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung trọng tâm đề ra với tinh thần nghiêm túc, có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong khâu tổ chức thực hiện của một số nơi, nhất là cấp huyện, cấp xã và một số sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình; có nơi, tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Bí thư cấp ủy, nhất là cấp xã còn thấp… Nguyên nhân chủ yếu do người đứng đầu cấp ủy một số nơi chưa chú trọng đúng mức và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, liên tục.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị mới về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thay thế cho Chỉ thị số 36. Trong đó, phải xác định rõ và nhất quán quan điểm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Quảng Ninh xác định chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, lấy niềm tin, sự hài lòng của người dân là thước đo và mục tiêu để phấn đấu.
Từ thực tiễn thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến một số bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian tới. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn chú trọng đổi mới cơ chế, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong việc tiếp công dân, lắng nghe, tiếp nhận và xử lý đơn, tổ chức đối thoại, giải quyết phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuân thủ các nguyên tắc. Cụ thể, nguyên tắc bảo đảm thật sự khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Đây là yêu cầu cao nhất đối với các tổ chức, cơ quan, cán bộ công chức khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cũng là nguyện vọng và sự mong đợi của người dân. Nguyên tắc công bằng, các quyết định của việc giải quyết khiếu nại tố cáo phải là sự hội tụ của các yếu tố: quy định pháp luật, ý thức pháp luật; áp dụng pháp luật của tổ chức, cơ quan, người có thẩm quyền khi giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, sát với điều kiện, hoàn cảnh của vụ việc khiếu nại, tố cáo, đảm bảo thấu tình, đạt lý. Nguyên tắc dân chủ, trong quá trình tiếp công dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân nhiều chiều, thấu cảm trước những bức xúc của nhân dân. Nguyên tắc công khai bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công khai từ lịch tiếp công dân của các đồng chí đứng đầu và cả nội dung tiếp. Nguyên tắc khẩn trương, kịp thời. Nguyên tắc cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng phải ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu để khắc phục tình trạng hình thức, để tồn đọng đơn thư, kéo dài, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phải chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại tố cáo, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Cùng với đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là giám sát tiến độ, kết quả giải quyết, giám sát việc thực hiện các quyết định, các chủ trương đã có của các cấp có thẩm quyền. Chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình khiếu nại, tố cáo từ xa, từ sớm, từ cơ sở để giải quyết kịp thời, đúng quy định ngay từ cơ sở, từ khi mới manh nha, không để phát sinh điểm nóng, hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc dư luận xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp, ngành trong cung cấp thông tin giải quyết khiếu nại tố cáo đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả.
Coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi, cập nhật, chia sẻ, sử dụng, khai thác thông tin dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()