Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:06 (GMT +7)
Đổi mới công tác dân vận theo hướng thực chất, cụ thể
Thứ 5, 05/01/2023 | 09:13:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố.
Cùng với cả nước, giai đoạn vừa qua, tỉnh Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sau nghỉ Tết Nguyên đán 2022, cùng với đó là giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, sự linh hoạt, sáng tạo, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã góp phần không nhỏ vào những kết quả quan trọng của tỉnh trên các lĩnh vực.
Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận. Đặc biệt là Quyết định số 461-QĐ/TU (ngày 14/12/2021) “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh”; Chỉ thị số 21-CT/TU (ngày 22/12/2021) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh”. Các nội dung khác liên quan đến công tác dân vận cũng được chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, như: Kiểm tra, giám sát, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, 20/20 cấp ủy địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản cụ thể hóa Quyết định số 461-QĐ/TU và Chỉ thị số 21-CT/TU; đồng thời tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; duy trì, phát huy hiệu quả thông tin hai chiều thông qua hội nghị giao ban, làm việc, đối thoại giữa ban thường vụ cấp ủy với đội ngũ bí thư chi bộ - trưởng thôn (bản, khu phố), trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố. Trong năm 2022, các cấp ủy đã tổ chức 1.687 hội nghị giao ban, đã có 6.734 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất từ các đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố.
Đặc biệt, với vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Riêng đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, MTTQ tỉnh triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến, đã tổ chức 2.193 hội nghị, cuộc họp với sự tham gia của 106.540 lượt người. Lần đầu tiên MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; qua đó đã có 20 bài tham luận, ý kiến phản biện bằng văn bản và 11 ý kiến phản biện trực tiếp tại hội nghị. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động nắm bắt tình hình, các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời phản ánh, đề xuất giải pháp giải quyết; phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người lao động; phối hợp triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia.
Ban dân vận các cấp và đảng ủy trực thuộc đã tham mưu, chủ trì triển khai có hiệu quả 49 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 514 tổ chức, đơn vị về thực hiện các chỉ đạo liên quan đến công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo, Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS). Riêng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai 4 cuộc kiểm tra, giám sát (trong đó có 1 cuộc của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS tỉnh). Đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS tỉnh giám sát trực tiếp và thông qua báo cáo đối với người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng của 14 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo và thực hiện QCDCCS. Sau kiểm tra, giám sát đã kịp thời báo cáo, phản ánh những bất cập, vướng mắc để cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Công tác nắm, phản ánh tình hình nhân dân hằng tuần được các địa phương thực hiện khá nghiêm túc. Nhiều đơn vị thực hiện tốt việc nắm, báo cáo tình hình nhân dân về các nội dung, như: Tình hình tranh chấp đất rừng, chặt phá rừng ở các địa phương; tình hình tôn giáo, tín ngưỡng, sáp nhập các thôn, bản, khu phố; tình hình liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư để triển khai các dự án; tình hình đơn thư, khiếu nại… Qua đó, đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết các vụ việc phát sinh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Nổi bật trong năm qua, tỉnh đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập thành công 180 thôn, bản, khu phố với tỷ lệ cử tri ủng hộ, đồng thuận cao; tiếp tục thực hiện nhất thể hóa 100% bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn (bản, khu phố) nhiệm kỳ 2022-2025; thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covijd-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; hoàn thành xây dựng nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra. Kinh tế phát triển và giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); đời sống của nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo của tỉnh tiếp tục được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng bào các tôn giáo luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, tạo lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()