Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:51 (GMT +7)
Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Tác động từ Đề án 25
Thứ 6, 25/12/2015 | 14:02:51 [GMT +7] A A
Ngay từ khâu chuẩn bị xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), Quảng Ninh kịp thời phát hiện một số bất cập liên quan đến tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền tại địa phương.
Từ đó, đã tìm ra hướng đi phù hợp, đó là thực hiện nhất thể hoá một số chức danh và sáp nhập một số đơn vị; từng bước khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo trong hệ thống chính trị; đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên; đồng thời, tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân. Cách làm mới này của Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Mô hình ươm giống keo của người dân xã Hải Lạng (Tiên Yên). Ảnh: Khánh Giang |
“Hai trong một” ở Hải Lạng
Sau gần một năm thực hiện mô hình nhất thể hoá chức danh Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Bùi Thị Thơ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên cùng hệ thống chính trị địa phương đã chèo lái phong trào phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình nhất là sự chuyển biến của thôn Đồi Chè. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hải Lạng Trần Văn Ninh cho hay: “Những năm trước đây, bà con thôn Đồi Chè chỉ thích “được” nghèo, nay tâm lý này đã thay đổi hẳn. Đó cũng nhờ có sự tuyên truyền, vận động kịp thời của cấp uỷ và chính quyền địa phương đã làm thay đổi, chuyển biến trong nhận thức của nhân dân”. Quả thực, nếu như năm 2011, thôn có trên 80% các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo (trong đó 35 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo) thì nay cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo; nhiều hộ xây dựng nhà ở cao tầng, kiên cố đảm bảo sinh hoạt và cuộc sống.
Việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thôn đối với việc xoá đói giảm nghèo là cả một quá trình lâu dài, tuy nhiên khi đưa vào thực hiện nhất thể hoá mô hình lãnh đạo cấp xã tại địa phương đã cơ bản tạo được sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Song song với việc làm thay đổi nhận thức của bà con, làm cho bà con cảm thấy nghèo đói là một điều đáng xấu hổ, cần phải loại bỏ, vượt qua, địa phương cũng kịp thời tìm nhiều giải pháp phát triển kinh tế, tìm các giống cây trồng có khả năng chịu hạn giúp bà con thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế gia đình… Ông Phạm Đình Thẫm, Bí thư kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Đồi Chè hồ hởi nói: “Khi kinh tế có phần ổn định, bà con cũng không còn tâm lý thích nghèo như trước nữa; thậm chí, có hộ khi được bình xét hộ nghèo lại có đơn xin không nhận “danh hiệu” này”.
Nói về việc chủ trương nhất thể hoá chức danh lãnh đạo xã, đồng chí Bùi Thị Thơ chia sẻ: Đây là mô hình có nhiều ưu thế, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo được thông suốt. Tuy nhiên, khi đảm nhiệm hai vai, người đứng đầu phải xác định được chỗ đứng của mình để không bị lẫn vai, phân định được khi nào thì hoạt động trong vai bí thư, khi nào thể hiện vai chủ tịch để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cũng có thể nói, hai vai này bổ trợ cho nhau, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong điều hành “chủ tịch” sẽ giúp “bí thư” đưa ra định hướng sát với thực tế, khả năng thực hiện thành công cao. Còn “bí thư” sẽ giúp “chủ tịch” có cái nhìn tổng quát về mọi vấn đề, trong triển khai thực hiện cũng linh hoạt, kịp thời.
Nhờ đồng bộ, linh hoạt trong cách chỉ đạo, triển khai, thực hiện, việc áp dụng mô hình nhất thể hoá đã tạo nên chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng nhẹ, năng suất lúa trung bình đạt 46,7 tạ/ha (tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2014); không để xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi; giá trị khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 50 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ 2014); tổng doanh thu từ các dịch vụ đạt 22,5 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ 2014); thực hiện Dự án hồ chứa nước Khe Cát hiện tại, cả xã đã có 41/54 hộ dân hiến trên 50ha và tài sản, ước giá trị khoảng trên 30 tỷ đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đạt 18/19 tiêu chí (38/39 chỉ tiêu), cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2010-2014.
Đổi mới trên diện rộng
Mô hình “hai trong một” vốn được tỉnh thực hiện thí điểm từ năm 2006, bắt đầu từ huyện Cô Tô. Trên cơ sở đánh giá đúc rút những kinh nghiệm triển khai mô hình; đồng thời, thực hiện Đề án 25 của tỉnh, từ năm 2014, mô hình này tiếp tục được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhất thể hoá chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đối với huyện Cô Tô và Tiên Yên; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện ở 9 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện như: Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ ở 12 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô); Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra ở 7 địa phương (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều, Đầm Hà, Ba Chẽ, Cô Tô); Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ ở Uông Bí, Tiên Yên và Cô Tô; Chánh Văn phòng Huyện uỷ và Chánh Văn phòng HĐND và UBND ở Tiên Yên và Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Phó Chủ tịch HĐND ở Cô Tô.
Theo đánh giá của các địa phương triển khai thực hiện đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương (nhất thể hoá các chức danh), đã giúp các địa phương, đơn vị nhanh chóng đưa chủ trương vào thực tiễn; quá trình chỉ đạo, điều hành, thực hiện chủ trương, đường lối cũng nhanh, chắc, gọn hơn; từ ban hành nghị quyết đến triển khai được đồng bộ hơn. Bởi lẽ, việc đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp uỷ cấp trên lại vừa là người trực tiếp chỉ đạo UBND, uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Hơn nữa, khi vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và UBND tập trung vào một người còn tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến cấp uỷ là đến UBND, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết giữa bí thư cấp uỷ và chủ tịch UBND.
Có thể thấy, việc thực hiện nhất thể hoá chức danh ở Quảng Ninh đã thể hiện được sự linh hoạt, đổi mới, hoàn toàn phù hợp với những quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Hiến pháp 2013 theo hướng đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Vĩ An - Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()