Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 19:50 (GMT +7)
Truyền thống và động lực
Chủ nhật, 10/11/2024 | 05:29:35 [GMT +7] A A
Truyền thống văn hoá công nhân mỏ, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” là những di sản tinh thần quý báu mà lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã hun đúc, bồi đắp tạo nên trên vùng đất Quảng Ninh. Di sản ấy đã, đang và mãi là động lực thúc đẩy sản xuất để ngành Than phát triển đi lên.
Sau khi đánh chiếm thành Hà Nội, ngày 12/3/1883, tên tướng Pháp là Henri Rivere dẫn 500 quân đánh chiếm Hòn Gai và nhanh chóng tổ chức bộ máy cai trị và xúc tiến việc thăm dò, khai thác than đá. Hàng loạt công ty tư bản Pháp khai mỏ lần lượt thành lập trên cơ sở các nhượng địa mà toàn quyền Đông Dương cắt nhượng. Trên cơ sở đó, cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, đội ngũ công nhân mỏ ở Quảng Ninh đã ra đời và không ngừng phát triển. Đây là một trong những địa bàn đầu tiên ở Việt Nam hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc đã viết bài tố cáo chế độ tàn ác của chủ mỏ thực dân đối với thợ mỏ: “Theo lời thú nhận của toàn quyền Đông Dương thì đời sống thợ mỏ quá khổ cực và công việc của họ quá nặng nề nên trong số 15.907 thợ mỏ thống kê năm 1905 không ai sống đến 60 tuổi. Tư bản thuộc địa cũng lại viện cớ đó để từ chối quỹ hưu bổng cho thợ thuyền bản xứ”.
Dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, khu mỏ vốn có thiên nhiên giàu đẹp đã biến thành địa ngục trần gian, thành cái nhà tù khổng lồ giam cầm đầy đọa những người thợ mỏ mà ca dao Vùng mỏ đã phản ánh: “Ngày ngày nghe tiếng còi tầm/ Nghe như tiếng vọng từ âm phủ về/ Tiếng còi não ruột tái tê/ Bước chân vào mỏ như lê vào tù”.
Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1935, dẫn đến sản lượng than đã tăng, nhưng tiền lương và đời sống của công nhân mỏ vẫn thấp. Ngoài ra, công nhân còn bị chủ mỏ đánh đập, đối xử tàn nhẫn, do đó dẫn đến cuộc Tổng bãi công năm 1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ, kéo dài 17 ngày và đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 12/11/1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công đã mang lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng công nhân, về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. Thắng lợi đó đã góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Báo Le Travail (Lao động) ra ngày 27/11/1936 đã viết về cuộc Tổng bãi công rằng: “Cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là đặc trưng chủ yếu đã toát ra từ cuộc bãi công đáng khâm phục của công nhân mỏ Cẩm Phả... Lần đầu tiên ở Đông Dương giai cấp vô sản đã đạt được một thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã đánh thắng kháng cự của bọn chủ mỏ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” được ra đời từ thắng lợi của cuộc Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936. Vai trò, ý nghĩa của nó càng được khẳng định qua đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đấu tranh giải phóng Khu mỏ năm 1955 và những năm thợ mỏ “tay búa, tay súng” vừa sản xuất than vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngay cả thời bình, giai đoạn khủng hoảng trong sản xuất của ngành Than, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” tiếp tục được thợ mỏ phát huy để vượt qua khó khăn.
Văn hoá công nhân mỏ hoà quyện cùng truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã góp phần hình thành nên những nét văn hoá đặc trưng của người Quảng Ninh đó là có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hóa công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm. Từ đó tạo nên một di sản văn hoá tinh thần vô giá, là động lực để cán bộ, công nhân ngành Than không ngừng phấn đấu thi đua, xây dựng ngành Than nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày càng phát triển đẹp giàu.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()