Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55 (GMT +7)
Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động
Thứ 6, 18/10/2024 | 05:14:49 [GMT +7] A A
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh đang ngày càng có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Những năm qua công tác DS-KHHGĐ được triển khai đồng bộ đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Truyền thông, giáo dục chăm sóc SKSS-KHHGĐ được chuyển tải bằng nhiều hình thức. Đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khoá XII "Về công tác dân số trong tình hình mới", ngành Dân số tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số, chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Phó Chi trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Tạ Thị Minh cho biết: Xác định chăm sóc SKSS-KHHGĐ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần ổn định dân số, đồng thời nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số bền vững trên địa bàn, thời gian qua bên cạnh các chiến dịch truyền thông trên diện rộng, các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đến tận các xã có mức sinh cao, xã khó khăn.
Trong 9 tháng năm 2024, các địa phương đã tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; lồng ghép trong hàng trăm hội nghị về các nội dung giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh…, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.
Ở cấp xã đã tổ chức tư vấn trực tiếp tại 39.433 hộ gia đình về các nội dung của chính sách DS-KHHGĐ, SKSS, tiền hôn nhân... Truyền thông, tư vấn tại các trạm y tế cho 22.026 lượt người đến khám thai và nuôi con nhỏ về cách chăm sóc thai kỳ, cách nuôi con nhỏ…
Chị Phạm Thị Hòa, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), cho biết: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cộng tác viên dân số trên địa bàn các thôn rà soát các đối tượng có nguy cơ cao để có phương án tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó trên địa bàn xã chưa ghi nhận trường hợp nào lựa chọn giới tính thai nhi...".
Với cách làm bài bản, sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và lực lượng làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số của tỉnh được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới, từng bước đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW vào cuộc sống.
Từ năm 2011 đến nay cơ cấu dân số của tỉnh có sự chuyển biến từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện trên nhiều phương diện, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. 9 tháng năm 2024 có 9.872/13.189 bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (đạt 74,85%); 8.305/11.475 trẻ sinh ra được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (72,37%)...
Tuy nhiên công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức: Còn sự phân biệt về giới tính; chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; hạn chế về truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; nhiều cán bộ dân số vẫn đặt nặng vào KHHGĐ; công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Để giải quyết những thách thức đó cần đổi mới nội dung tuyên truyền, tập trung vào chính sách dân số và phát triển...
Ngành Dân số tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển; duy trì, nhân rộng, xây dựng các mô hình truyền thông hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()