Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:49 (GMT +7)
Đổi mới, thay đổi phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thứ 7, 22/08/2020 | 05:59:33 [GMT +7] A A
Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả Chính phủ điện tử, diễn ra trong tuần qua là việc Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Có thể nói, Hệ thống được khai trương và đi vào vận hành là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số. Từ Trung tâm, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng...
Ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nên từ rất sớm, Quảng Ninh đã chủ động, tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh...Và đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có trên 1,9 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Hệ thống; trên 393 ngàn hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99%. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó đã cung cấp 518 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo mục tiêu hoàn thành tích hợp tối thiểu 30% dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ...
Lợi ích của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số, thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc khai trương hệ thống cũng mới chỉ là việc làm bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, cung cấp thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy, để phát huy hiệu quả của Hệ thống, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng, ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng...
Đặc biệt hiện nay, khi cả nước đang đẩy mạnh thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, thì việc đổi mới, thay đổi phương thức làm việc thông qua môi trường mạng đã giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân đạt được hiệu quả như mong muốn trong khi không phải đầu tư lớn, góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến không bị giới hạn bởi thời gian, không gian, địa điểm; tăng cường giám sát, hạn chế những tiêu cực, phiền hà có thể xảy ra...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()