Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55 (GMT +7)
Đổi mới toàn diện khâu đào tạo nhân lực
Thứ 5, 12/08/2021 | 10:20:58 [GMT +7] A A
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội lớn giúp Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức lớn, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện khâu đào tạo nhân lực.
Vài năm gần đây, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, gấp đôi so với 5 năm trước. Nguồn lao động địa phương hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ đã qua đào tạo khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, tuyển sinh 34.000-35.000 người/năm.
Tuy đã có những tín hiệu tích cực, nhưng hiện Quảng Ninh mới có khoảng 16% tổng số nhân lực của tỉnh được đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp (bằng một nửa so với mục tiêu), còn lại là đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng. Tỷ lệ này chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Bài toán khó đối với cả nhà đầu tư và tỉnh Quảng Ninh hiện nay không phải là hạ tầng, là cơ chế chính sách như trước, mà là vấn đề nguồn nhân lực. Theo dự tính nếu được lấp đầy, riêng nhu cầu sử dụng của Khu công nghiệp Amata Hạ Long lên tới hơn 35.000 người.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn tới của tỉnh là rất lớn. Riêng năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển dụng trên 16.000 lao động, trong đó các khu công nghiệp cần gần 10.000 lao động. Đến năm 2025, các doanh nghiệp cần tuyển dụng hơn 100.000 lao động, riêng các khu công nghiệp cần trên 54.000 lao động…
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Quảng Ninh đang tích cực xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển. Trên cơ sở đó, Đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Trong đó dự kiến sẽ chú trọng đến từng ngành, lĩnh vực cũng như nhu cầu đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn để tập trung thực hiện cho phù hợp. Các cơ quan nòng cốt, như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng chủ động rà soát, tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo bồi dưỡng theo hướng tập trung đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh cần. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sẽ bám sát nhu cầu thực tiễn của tỉnh; các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng quản trị hành chính công, xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách phân luồng giáo dục trên địa bàn, đặc biệt chú trọng phân luồng học sinh sau THCS, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường của mình và nhu cầu lao động của xã hội. Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ đạt đẳng cấp quốc tế, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống, làm việc tại Quảng Ninh. Mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực tỉnh đang thiếu và yếu, nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài đã ký kết để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại Quảng Ninh…
Để phát triển nhân lực chất lượng cao, tỉnh cũng xác định, một trong những giải pháp trọng tâm là tiếp tục xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Bắc. Mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề đang thiếu, như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ; tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, động viên mọi thành phần kinh tế tham gia. Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()